Giải bài toán phát triển kinh tế biển

Phạm Sơn - 18:46, 12/06/2022

TheLEADERCó đường bờ biển dài với nhiều tiềm năng to lớn nhưng các ngành nghề kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng.

Giải bài toán phát triển kinh tế biển
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu tại iễn đàn phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ĐCS.

Thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Phú Yên có đường bờ biển dài khoảng gần 200km, với ngư trường rộng lớn, thủy sản phong phú, nhiều bãi biển đẹp hay đầm vịnh kín gió. Những lợi thế này tạo ra tiềm năng lớn cho Phú Yên phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch nghỉ dưỡng; logistics cảng biển; thủy hải sản…

Nhận thức được những tiềm năng to lớn như vậy, theo ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết, nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn “trăn trở suy nghĩ”, ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động để khai thác nguồn lợi từ kinh tế biển.

Nhờ đó, khai thác nguồn lợi từ biển tại Phú Yên đạt được một số thành tựu tích cực, có thể kể đến như sản lượng thủy hải sản đánh bắt hàng năm khoảng hơn 60 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản khoảng 8 nghìn tấn mỗi năm, trong đó có nhiều loại hải sản giá trị như cá ngừ đại dương, tôm sú, tôm thẻ trắng, tôm hùm…

Cảng biển Cái Rô của Phú Yên được đầu tư nâng cấp hạ tầng, đến nay có khả năng tiếp nhận tàu vận tải có tải trọng 3 nghìn DWT, năng lực khai thác hàng hóa hơn 700 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài ra, cảng biển nước sâu Bãi Gốc đang được quy hoạch, kỳ vọng tiếp nhận được tàu tải trọng 50 nghìn DWT.

Tuy nhiên, theo ông Hổ, những thành tựu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về kinh tế biển của Phú Yên. Một số điểm yếu của kinh tế biển Phú Yên có thể kể đến như ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; du lịch chưa có sản phẩm đặc trưng; khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn hạn chế…

Thực tế, đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành ven biển Việt Nam. Ý thức được nguồn lợi to lớn về kinh tế biển nhưng các địa phương vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh. Một số tỉnh ven biển cho biết, nguyên nhân đến từ việc chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia, thiếu hành lang pháp lý về lấn biển…

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế trung ương, nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô nền kinh tế biển vẫn còn khiêm tốn, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý. Đặc biệt phải kể đến một điểm yếu là tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa hệ sinh thái biển, làm đánh mất đi đa dạng sinh học cũng như nguồn lợi thủy hải sản.

Đối với lĩnh vực hàng hải, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết, Việt Nam vẫn chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp để cạnh tranh với các hãng vận tải quốc tế, trong khi đây là hình thức vận tải chính của thương mại thế giới.

Trong lĩnh vực du lịch, theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, hạ tầng chưa phát triển phù hợp khến du lịch biển không phát triển tương xứng với tiềm năng. Đơn cử, cả nức chỉ có duy nhất một cảng biển du lịch là vịnh Hạ Long, do đó lượng khách du lịch theo hình thức này chỉ chiếm 1% khách quốc tế cả nước.

Ông Tuấn chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu đến từ “yếu tố chủ quan”, đó là các phương thức quản lý biển mới như quản trị theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển… vẫn còn chậm được áp dụng; nguồn lực để thực hiện chiến lược kể trên cũng chưa được bố trí phù hợp; cơ sở pháp lý, chính sách chưa đồng bộ.

Mặt khác, một số nguyên nhân khách quan cũng tạo ra tác động tiêu cực tới kinh tế biển, ví dụ như biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Từ những thực trạng kể trên, ông Tuấn đưa ra một số đề xuất để phát triển kinh tế biển Việt Nam, đồng thời đề nghị các cơ quan, bộ ngành liên quan triển khai nhanh các giải pháp để phát huy thế mạnh của kinh tế biển.

Theo đó, cần phải tập trung rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về biển và hải đảo theo hướng đồng bộ để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển nhưng vẫn duy trì phát triển bền vững, không gây hại tới môi trường.

Năng lượng tái tạo là giải pháp cần được chú trọng để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên các đảo, qua đó đảm bảo quốc phòng, an ninh biển. Ngoài ra, năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng là hướng đi quan trọng để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam.

Đối với ngành thủy hải sản, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật chế biển, bảo quản, từ đó tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Đây là động lực quan trọng cho ngành thủy hải sản phát triển.

Khi phát triển kinh tế biển, yếu tố liên quan đến môi trường phải được đặc biệt lưu tâm. Trưởng ban Kinh tế trung ương đề nghị chú trọng bảo vệ hệ sinh thái biển, khoanh vùng bảo vệ hệ sinh thái san hô, cỏ biển, đồng thời kiểm soát, hạn chế rác thải từ đất liền xả ra biển.

Ông Tuấn cũng đề xuất xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến biển, hải đảo và kinh tế biển trong giai đoạn mới; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo cũng như chỉ tiêu đánh giá các ngành kinh tế biển, lấy đò làm cơ sở giám sát, đánh giá.