Giảm tiền nước sạch sinh hoạt, cước viễn thông

Nhật Hạ - 21:43, 01/08/2021

TheLEADERSau khi đồng ý giảm tiền điện sinh hoạt đợt 4, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giảm tiền nước sinh hoạt và cước viễn thông.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải khẩn trương điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt, nhất là tại các nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đây là yêu cầu vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra ngày 1/8 để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp.

Trước đó, theo Thông tư 44 ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính và có hiệu lực ngày 5/8, khung giá nước sạch tại đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu 3.500 đồng/m3, tối đa 18.000 đồng/m3.

Các đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5, giá nước sạch tối thiểu từ 3.000 - 15.000 đồng/m3. Riêng khu vực nông thôn có mức từ 2.000 - 11.000 đồng/m3. Khung giá nước sinh hoạt theo Thông tư mới này không có sự thay đổi so với khung giá nước sinh hoạt được quy định tại Thông tư 88 trước đó.

Đồng thời, chiều nay (1/8), Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông gói hỗ trợ này có tổng trị giá lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 31/7, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng quyết định đồng ý giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (tính đến ngày 30/7) sẽ được giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) nếu dùng dưới 200 kWh một tháng và giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) nếu dùng trên 200 kWh mỗi tháng. Mức giảm áp dụng cho kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9 năm nay.

Ở lần này, các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người cách ly sẽ được miễn 100% tiền điện trong 7 tháng, từ kỳ hoá đơn tháng 6 đến hết năm 2021, nhằm hỗ trợ cho các cơ sở thuộc tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Theo ước tính sơ bộ của EVN, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Cộng dồn cả 4 đợt giảm trong năm 2020 và 2021, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 16.300 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng sẽ được Bộ Thông tin và truyền thông triển khai dưới các hình thức gồm các doanh nghiệp Viettel, VNPT, CMC, Mobifone, Vietnamobile tiếp tục tăng gấp đôi băng thông với giá không đổi, SCTV giảm cước 25% cho dịch vụ Internet cáp quang; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mức giá không đổi; giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng; gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng; đồng thời các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ vẫn tiếp tục duy trì miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; Miễn phí cước thoại đến các đường dây nóng phòng, chống Covid-19… Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg, các doanh nghiệp gồm: Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnamobile sẽ tặng mỗi khách hàng 50 phút gọi nội mạng, giúp người dân giữ liên lạc với người thân hàng ngày.

Theo kế hoạch, các gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ tuần này và kéo dài trong 3 tháng.

Trước đó, từ đầu năm 2020, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như đóng góp trực tiếp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, giảm giá gói cước, hỗ trợ data, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng nhiều nền tảng công nghệ nhằm phòng, chống với dịch bệnh…

Tổng giá trị hỗ trợ từ đầu năm 2020 tới nay đã lên đến gần 23.000 tỷ đồng, trong đó 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT, Mobifone đã đóng góp gần 21.000 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.