Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang: Mọi chuyện đã đi quá xa!

Kim Yến - 13:37, 25/07/2018

TheLEADERĐiều quan trọng nhất ngay lúc này là phải tìm ra cho được một thuyền trưởng tài ba, có đủ tâm, tầm và tài năng, có khả năng tập hợp những người giỏi nhất để thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam.

Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang: Mọi chuyện đã đi quá xa!
TS. Nguyễn Minh Hoà

Vụ nâng, sửa điểm bị phát hiện ở Hà Giang và Sơn La như một cơn địa chấn làm rung chuyển không chỉ nền giáo dục Việt Nam mà tác động đến tâm thế toàn xã hội. 

Đánh giá như thế nào về sự kiện tiêu cực này và phải thay đổi những gì để chữa được "trọng bệnh" thi cử là vấn đề TheLEADER đặt ra cho các chuyên gia dưới góc nhìn quản trị xã hội. Sau đây là ý kiến của TS. Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam.

Việc âu lo về giáo dục là chuyện thường trực của mọi người, từ con trẻ đến cha mẹ và giới lãnh đạo, bởi nó liên quan không chỉ hôm nay mà cho tương lai của cả một dân tộc, nhưng lần này nỗi âu lo trở thành một nỗi kinh hoàng mà rất nhiều người gọi là “vỡ trận”, “không tưởng tượng nổi”, “vô tiền khoáng hậu”.

Mặc dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các chuyên gia của Bộ Giáo dục và đào tạo đang cố sức be bờ đắp đập làm cho hệ quả nhẹ đi, bản thân bộ trưởng nhắn người dân là đừng để kẻ xấu lợi dụng chút sai phạm thi cử mà gây hoang mang.

Nhưng thực tế ngày càng xấu đi!

Nếu ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng chỉ cần 6 giây để sửa một bài vì ông sửa ở file danh sách đầu ra, thì ở Sơn La dưới sự chỉ đạo của ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo lại sửa ngay ở bài thi gốc, đây là một lỗ hổng chết người không thể sửa chữa.

Bởi chỗ, ở bài thi gốc, học sinh tô đen ô trống lựa chọn bút chì và được quyền tẩy xoá khi thay đổi sự lựa chọn, do vậy mà những bài được sửa tận gốc để nâng điểm không thể tìm lại được bản nguyên thủy, những người nâng điểm và bản thân chủ của nó không thể nhớ mình đã đánh như thế nào vào bài trắc nghiệm.

Và như thế, theo nguyên tắc phải chấp nhận kết quả hiện nay (cho dù biết mười mươi đã bị biến dạng).

Và như thế, có một số học sinh kém sẽ nghiễm nhiên vào đại học Top đầu và như thế sẽ tước đi cơ hội của nhiều học sinh khác đáng ra phải được hưởng.

Một vị còn an ủi rằng, không sao trong quá trình học, nhưng sinh viên kém đó sẽ tự bộc lộ ra và khi đó sẽ loại ra theo cơ chế tự sàng lọc. Nên nhớ những người có đủ mưu mô chui vào đại học theo kiểu đó, thì dư sức chạy điểm qua các kỳ thi để tiến thẳng đến bục nhận bằng tốt nghiệp.

Qua hiện tượng này, chúng ta rút ra được những điều gì:

Tất cả các quy trình dù hoàn hảo nhất vẫn có thể bị vô hiệu hoá bởi con người

Trong khi quy trình thi cử như hiện nay có quá nhiều lỗ hổng mà một người không phải chuyên gia IT, chỉ là cán bộ cấp phòng ở một đia phương xa lắc vẫn dễ dàng xâm nhập được.

Bộ Giáo dục và đào tạo có thể thở phào mà nói rằng đó là một vài con sâu, một vài lỗi kỹ thuật nhỏ chỉ cần bịt được lỗ hổng này lại, chẳng hạn khâu chấm thi năm tới không giao cho Sở Giáo dục và đào tạo của tỉnh đảm nhiệm nữa mà giao cho tỉnh khác là hệ thống vẫn chạy tốt, tức là phương thức thi “hai trong một” và trả việc thi, chấm thi về cho các địa phương vẫn tiếp tục được triển khai trong năm tới.

Vấn đề là ở chỗ, không ai đảm bảo được rằng hệ thống ấy lại phát sinh ra những rắc rối khác, bởi việc thi cử liên quan đến hàng triệu con người, liên quan đến 63 tỉnh thành và hàng chục khâu kỹ thuật khác nhau. Với quá nhiều mối quan hệ xã hội chồng chéo, quá nhiều công đoạn hành chính, kỹ thuật phức tạp diễn ra trên một địa bàn quá rộng thì những sai sót, rủi ro là điều không thể tránh khỏi.

Và rồi một quy trình “hậu thi cử” xuất hiện, tức là những sự cố mới lại xuất hiện và chắc chắn một nguyên nhân nào đó cho là khách quan lại được tìm ra, và lại một loạt hành động mang tính đối phó với những sự cố tiếp diễn, sau đó một số cán bộ được khen thưởng vì có thành tích khắc phục sự cố.

Như thế cần tìm ra một phương thức tuyển sinh khác mà không quá tốn kém tiền bạc, hao tâm tổn trí của xã hội mà vẫn hiệu quả.

Cần xem xét lại phương thức thi cử ở Việt Nam hiện nay

Kỳ thi “hai trong một” vừa triển khai đã bộc lộ ngay những sai sót chết người là kết quả các môn thi trắc nghiệm không phản ánh được đúng trình độ của học sinh, bởi có quá nhiều thí sinh đánh đại vào bài theo kiểu cầu may mà điểm cao chót vót, còn các môn thi toán thì lại quá khó đến mức các nhà toán học danh tiếng cũng phải khóc ròng.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ giáo dục đã lên tiếng không nên có kỳ thi đại học, học sinh có kỳ thi tốt nghiệp trung học nếu có thì thật nhẹ nhàng, bởi năm nào cũng có đến 98% nhận bằng tốt nghiệp THPT thì thi cử là chuyện… vớ vẩn.

Tốt nghiệp xong trung học, học sinh chọn trường để ứng tuyển, trường đại học căn cứ kết quả học tập của 4 năm học để xét tuyển, chứ không dựa trên duy nhất một kỳ thi may rủi, một số trường có yêu cầu học sinh nộp một bài luận qua online để tự trình bày nguyện vọng của mình.

Căn cứ trên bảng điểm, bài luận, bài kiểm tra năng khiếu (với những trường thuộc khối nghệ thuật - mỹ thuật) và có thể có cả phỏng vấn trực tiếp hay qua online nhà trường sẽ nhận sinh viên của mình theo xu hướng rộng đầu vào chuẩn đầu ra.

Thêm vào nữa, những ai tường minh chuyện xét tuyển của nhiều trường đại học trên thế giới nhất là Bắc Mỹ, Châu Âu cho thấy, rất nhiều tiêu chỉ xét tuyển của họ không hề xuất hiện ở Việt Nam, như thành tích thể thao, các giải thưởng sáng tạo, các chứng chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động cộng đồng ở những nơi khó khăn… chính với cách xét tuyển này họ đã tạo ra một đội ngũ sinh viên rất có bản sắc, năng động và làm xuất hiện những con người xuất chúng.

Ở Việt Nam đốt đuốc cũng không tìm thấy những đội bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng của các trường đại học, những vận động viên bơi lội, boxing, thể dục dụng cụ giành các huy chương thế giới là sinh viên thực thụ. Họ có được những nhóm, đội, cá nhân xuất sắc là nhờ có cách tuyển sinh như thế.

Cánh cửa đại học và nói rộng ra là cả trung học phổ thông phải là nơi rộng mở cho bất kỳ ai muốn học. Cánh cửa đại học rộng mở với các bạn trẻ ở các tỉnh địa đầu của Tổ quốc, nhưng không phải bằng cách như ông Lương, ông Yến đã làm.

Bộ Giáo dục và đào tạo phải thật cầu thị, nghiêm túc mời các chuyên gia giỏi, cùng ngồi lại với nhau mổ xẻ đến tận cùng

Ngay sau vụ này, Bộ Giáo dục và đào tạo không được né tránh, không bao biện, không đổ lỗi. Đảng, Chính phủ, Quốc Hội cùng toàn dân vào cuộc trên tinh thần kiên quyết thay đổi triệt để giáo dục Việt Nam.

Cách làm như trước nay là thay đổi từng phần, vừa làm vừa sửa, sai đâu sửa đó đã bộc lộ quá nhiều điều không ổn. Những vấn đề cốt tử của giáo dục là phải thay đổi mang tính hệ thống, từ triết lý giáo dục, quản trị giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đến thi cử, lương bổng, giáo trình, cơ sở vật chất.

Và một điều quan trọng nhất ngay lúc này là phải tìm ra cho được một thuyền trưởng tài ba, có đủ tâm, tầm vài tài năng, có khả năng tập hợp những người giỏi nhất thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam.

Thêm vào nữa cần loại bỏ ngay một quan điểm rất phổ biến được coi là chỉ đạo trong chiến tranh, đó là “cứ làm đi, sai thì sửa” và “sai đâu sửa đó”. Những trung đội, đại đội bộ đội hy sinh cho những thử nghiệm chiến thuật, chiến dịch, không hiểu sao quan điểm này vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận bây giờ, không chỉ trong hoạt động kinh tế- chính tri mà trong cả y tế, giáo dục.

Đành rằng sai thì sửa, nhưng sai nhiều quá và cái sai không thuộc về kỹ thuật mà thuộc về hệ thống thì những quan điểm chỉ đạo trong xây dựng chính sách và hành động chiến lược thì vô cùng nguy hiểm không chỉ cho hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

Nói cho cùng thì đất nước nào, vào bất cứ giai đoạn nào cũng có những vấn đề của nội tại, nhưng dường như vấn đề của thế giới là phát triển, còn ở ta là vấn đề của sự tồn tại. Xin thôi đừng huyễn hoặc về mình nữa, một quốc gia có lịch sử đại học một 1.000 năm tuổi, không chứng minh được là ưu việt hơn đại học của những quốc gia non trẻ như Singapore, bởi khi mà chúng ta cố gắng tiến về phía trước một bước, thì họ đã đi được hàng trăm bước.

Không có gì biện minh cho việc, hàng năm có hàng ngàn học sinh bươn bả tìm đường sang các nước khác học. Họ đi “tỵ nạn giáo dục”, bởi họ không còn tin vào nền giáo dục này nữa. Đó là niềm vui sướng hay là nỗi đau thắt của những người làm cha làm mẹ phải ném những đưa trẻ thơ dại đến những vùng đất xa lạ.

Ai là người, là lực lượng đủ năng lực xây dựng được niềm tin cho gần 100 triệu con người vào tương lai giáo dục nước nhà?

Đó là câu hỏi đến từ quá khứ và của thời đại hôm nay, nhân dân có quyền đặt ra câu hỏi chính đáng đó, không còn khoảng lùi nữa nào nữa.