Google, Facebook bị yêu cầu trả tiền bản quyền cho các hãng báo chí

Hoàng An - 20:13, 02/04/2023

TheLEADERMới đây, các nhà lập pháp California đã đưa ra một dự luật, yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung tin tức. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bất mãn của công chúng đối với sức mạnh ngày càng lớn của những gã khổng lồ công nghệ.

Google, Facebook bị yêu cầu trả tiền bản quyền cho các hãng báo chí
Google và Facebook liên tục bị nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu trả tiền cho các hãng báo chí (Ảnh: AFP)

Buffy Wicks, một nhà lập pháp đại diện của thành phố Oakland, tiểu bang California, đã đưa ra dự luật yêu cầu những công ty công nghệ phải trả cho các cơ quan truyền thông “phí sử dụng báo chí” khi họ bán quảng cáo cùng với nội dung tin tức.

Dự luật cũng yêu cầu các nhà xuất bản nội dung đầu tư 70% số tiền thu được từ khoản phí này vào các hoạt động báo chí.

Trả lời tờ Los Angeles Times, bà Emily Charrier, người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức California, cho biết: “Trên thực tế, các Big Tech đã trở thành bên kiểm soát quyền truy cập nội dung báo chí và họ đang sử dụng sự thống trị của mình để đặt ra những quy tắc về hình thức hiển thị, quyền ưu tiên và khả năng tạo ra lợi nhuận của các nội dung tin tức”.

“Thành viên trong hiệp hội của chúng tôi là những hãng thông tấn. Những hoạt động của họ xứng đáng được trả giá trị thị trường hợp lý”, bà Emily cho biết thêm.

Bà Danielle Coffey, Phó chủ tịch điều hành Liên minh truyền thông tin tức News/Media Alliance tại Hoa Kỳ, cho biết, bà hy vọng rằng, Quốc hội sẽ áp dụng luật này ở cấp liên bang “để giúp các nhà xuất bản tin tức trên khắp Hoa Kỳ được đền bù xứng đáng”.

Vào tháng 12 năm ngoái, khi dự luật tương tự được đề xuất, Meta đã đe dọa xóa hoàn toàn nội dung tin tức khỏi nền tảng của mình nếu Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Nếu được thông qua, Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí, sẽ cho phép những công ty xuất bản tin tức, báo chí đàm phán với các nền tảng xã hội về mức phí sử dụng thông tin báo chí.

Meta cho biết họ thà lấy tin tức từ các nền tảng của mình còn hơn là “tuân theo những cuộc đàm phán do chính phủ ủy quyền, và coi thường những giá trị mà chúng tôi đem lại cho các hãng tin”.

Google, Facebook bị yêu cầu trả tiền bản quyền cho các hãng báo chí
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta, muốn hãng chuyển hướng tập trung vào các hoạt động khác trên nền tảng, thay vì tin tức. (Ảnh: AFP)

Theo người phát ngôn Andy Stone của Meta trên Twitter, giá trị mà họ nhắc đến là khả năng “tăng lưu lượng truy cập và lượt theo dõi” cho các hãng tin.

Nói về đạo luật này, người phát ngôn của Meta nói với Reuters: “Khung pháp lý này đang buộc chúng tôi phải trả tiền cho những đường liên kết (link) và các nội dung mà chúng tôi không đăng tải và đó cũng không phải là lý do khiến đại đa số mọi người sử dụng nền tảng của chúng tôi.

Dự luật của tiểu bang California được lấy cảm hứng từ sự thành công của một dự luật tương tự đã được thông qua ở Úc vào đầu năm 2021, dẫn đến việc các nền tảng kỹ thuật số đã phải trả gần 140 triệu đô la cho các tổ chức thông tấn của nước này trong năm đầu tiên luật này được thực thi.

Meta đã chặn quyền truy cập vào nội dung tin tức ở Úc trong vài ngày khi luật được đề xuất nhưng sau đó đã đảo ngược quyết định sau khi đàm phán với chính phủ.

Sau đó, tháng 4/2022, Canada cho biết họ sẽ xem xét dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức địa phương về nội dung. Đầu tháng 3/2022, Meta tuyên bố sẽ chặn tất cả nội dung tin tức khỏi người dùng Canada nếu các nhà lập pháp ở Ottawa thông qua “Đạo luật Tin tức Trực tuyến”.

Trong khi đó, Google lại có phản ứng có phần hữu nghị hơn. Vào năm 2021, Google đã ký thỏa thuận với khoảng 120 ấn phẩm của Anh như một phần trong kế hoạch trả tiền cho các hãng tin để có thể sử dụng nội dung.

Google, Facebook bị yêu cầu trả tiền bản quyền cho các hãng báo chí 1
Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai (Ảnh: AP)

Năm ngoái, Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng đã ký thỏa thuận với 300 nhà xuất bản trên khắp châu Âu. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ sẽ trả tiền cho các trang web tin tức cho hoạt động hiển thị các đoạn trích của các tác phẩm báo chí trên kết quả tìm kiếm.

Vào tháng 10 năm 2020, Google đã bị kiện ra tòa về hoạt động tìm kiếm thông tin của hãng. Vụ kiện này sẽ được đưa ra xét xử tại tòa án liên bang ở Washington DC vào tháng 9/2023.

Tháng 1/2023, chính quyền Biden và 8 bang cũng đã đệ đơn kiện Google với cáo buộc rằng hãng đang bóp nghẹt hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Đây là hai hành động chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đối với Google. Google đã từ chối các cáo buộc trong cả hai trường hợp trên.