Hai bộ trưởng giải thích lý do đường sắt đô thị đội vốn

Hạ Vũ - 15:29, 15/08/2019

TheLEADERChỉ tính riêng 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đã đội vốn lên hơn 80.000 tỷ đồng.

Hai bộ trưởng giải thích lý do đường sắt đô thị đội vốn
Nhà ga dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VGP

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi về việc 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM sử dụng vốn vay ODA đều chậm trễ, đội vốn tới 80.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2018, nhiệm vụ quản lý vốn ODA thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ đầu mối đàm phán ký kết, còn vấn đề đầu tư, sử dụng nguồn vốn này cho dự án nào thì vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư quản lý.

Do đó, có rất nhiều khâu Bộ Tài chính không thể quyết định, một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn là do khâu giao dự toán, làm kế hoạch chậm… 

Vấn đề đội vốn trước hết là do chủ đầu tư, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm tham gia. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn là do các dự án này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên hiểu biết, năng lực của ban tư vấn và cơ quan quản lý chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu. 

"Việc thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chưa lường hết được các vấn đề", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

5 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM: 'Vấn đề không hẳn là đội vốn'
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trong đó, các dự án này đều phải điều chỉnh, tăng vốn rất lớn. 

Dự án Bến Thành – Suối Tiên tăng thêm 30.000 tỷ đồng (từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng). Tuyến đường sắt số 2 của TP. HCM cũng sẽ tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Tương tự, tuyến đường sắt của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

“Vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết chi phí từ đầu, do đó dẫn đến việc điều chỉnh. Nếu không tháo gỡ được vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án, càng để chậm thì chi phí sẽ càng tăng lên nữa”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, chuyện phải xử lý lúc này là vấn đề điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo 4 hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, nguồn vốn bổ sung đã được tính vào kế hoạch trung hạn chưa, tỷ lệ giữa khả năng cấp phát và vay lại của địa phương đã thay đổi.

Tuyến Bến Thành – Suối Tiên của TP. HCM hiện đã có hướng giải quyết, đã thu xếp được nguồn vốn cân đối và đang chờ TP. HCM hoàn thành thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư.