Hai rào cản khiến Việt Nam không lên được ASEAN 4

Quỳnh Chi - 08:39, 23/01/2019

TheLEADERSau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 19 chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến.

Hai rào cản khiến Việt Nam không lên được ASEAN 4
Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp tụt hạng mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. So với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các địa phương có cảng biển lớn, có cửa khẩu hoặc nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đánh giá tốt hơn; thủ tục đăng ký kinh doanh cũng được đánh giá cao. 

Có 6 chỉ số tăng hạng bao gồm: tiếp cận điện năng tăng 108 bậc lên thứ 37; nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc lên thứ 131; bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc lên thứ 89; khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc lên thứ 104; tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc lên thứ 32 và cấp phép xây dựng tăng 1 bậc lên thứ 21.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 26 bậc sau 5 năm với 6/7 chỉ số tăng hạng, chỉ duy nhất chỉ số trình độ phát triển của doanh nghiệp giảm 7 bậc.

Có phản ánh liên tục mới chú trọng thực hiện cải cách

Mặc dù nhiều yếu tố khác đã “thăng hạng” đáng kể, song chỉ số thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. 

Theo số liệu của CIEM, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền. 

Tương tự, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7% (chính xác là 6,98%). Cổng dịch vụ công quốc gia chưa vận hành, ứng dụng được coi là chưa thuận lợi cho người dân.

Bốn chỉ số giảm bậc bao gồm: đăng ký tài sản giảm 17 bậc xuống 60; thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới xuống thứ 100; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc xuống thứ 62 và giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc xuống thứ 133.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp là hai chỉ số đặc biệt quan trọng. Nếu không cải thiện được hai chỉ số này, chắc chắn Việt Nam không lên được tiêu chuẩn môi trường kinh doanh của 4 nước phát triển trong ASEAN (ASEAN 4). 

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cũng nhìn nhận, Nghị quyết 19 được thực hiện trong 5 năm qua chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với địa phương còn chưa chặt chẽ, chủ động và một số cải cách còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thái độ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa tích cực. 

Cũng vì vậy mà hiện nay, Việt Nam chỉ được xếp ở vị trí thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27), thậm chí còn kém Brunei (thứ 55) 14 bậc.

Trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, CIEM cho rằng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm hoặc chưa thực chất trên một số lĩnh vực nên vẫn còn rào cản với doanh nghiệp. Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, ông Cung cho rằng cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chí phí không chính thức cho doanh nghiệp….

Theo lãnh đạo CIEM, nhiều doanh nghiệp cho rằng điều kiện đăng ký kinh doanh có giảm bớt nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều (58% doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện và tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong xin phép kinh doanh…). 

Theo CIEM, năm 2019, những nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng là thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.