Hành vi du lịch vô ý thức đang hủy hoại tự nhiên

Sơn Phạm - 10:17, 06/08/2020

TheLEADERDu lịch được coi là ngành công nghiệp không khói với tiềm năng kinh tế cao và không xả thải khói bụi độc hại gây ô nhiễm. Tuy nhiên, thực chất các hành vi du lịch vô ý thức cũng đang là mối đe dọa không hề nhỏ đối với môi trường.

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu du lịch và các dịch vụ phụ trợ cũng tăng cao. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự đoán ngành du lịch có tiềm năng tạo ra 400 triệu việc làm, cũng như gián tiếp đóng góp 25% tỷ lệ việc làm trên thế giới.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch, với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo. Nhiều địa danh ở Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch quốc tế, như Phú Quốc, Hội An, Đà Lạt, Hạ Long…

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mà thiếu đi tính bền vững do những hành vi du lịch vô ý thức đang hủy hoại cảnh quan và môi trường.

Khó khăn trong quản lý chất thải

Công tác quản lý chất thải ở những điểm du lịch gặp phải rất nhiều trở ngại do nguồn lực có hạn nhưng tốc độ tăng trưởng dịch vụ cũng như số lượng du khách thì rất nhanh qua các năm.

Các bãi biển, khu sinh thái, vườn quốc gia, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử thường xuyên rơi vào tình trạng ngập tràn rác thải do khách du lịch hoặc thậm chí là cả người dân địa phương xả thải bừa bãi. Không chỉ khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác, những rác thải này còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nước và đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa và các chất sót lại trong bao bì nhựa.

Hành vi du lịch vô ý thức đang hủy hoại tự nhiên
Không chỉ khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác, những rác thải này còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.

Bên cạnh chất thải rắn, nước thải từ những công trình, dịch vụ phụ trợ cũng đang là vấn đề gây nhức nhối, chủ yếu do một số công trình xây dựng cẩu thả, chỉ chú trọng làm đẹp hình thức mà không đầu tư xây dựng hệ thống xả thải đạt chuẩn. Thậm chí, một số tàu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ ven biển còn dẫn thẳng đường cống nhà vệ sinh ra biển để tiết kiệm chi phí, không chỉ gây ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước tình trạng ô nhiễm do không thể quản lý nổi chất thải, nhiều thiên đường du lịch nghỉ dưỡng đã phải đóng cửa tạm thời để cải tạo lại môi trường, điển hình như bãi biển Boracay ở Philippines hay vịnh Maya ở Thái Lan.

Ở Việt Nam, biện pháp đóng cửa điểm du lịch chưa được áp dụng nhưng tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm và ngày càng trầm trọng hơn khiến một số địa danh ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt du khách trong nước, còn du khách nước ngoài thì “một đi không trở lại”.

Phá hủy sinh thái, lạm dụng tài nguyên

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, trung bình mỗi năm các đại dương nhận thêm khoảng 14.000 tấn kem chống nắng từ hoạt động tắm biển của khách du lịch. Đa phần trong số đó là những loại kem khó phân hủy, chứa nhiều chất độc hại, cùng với các hóa chất khác gây ra sự axit hóa của đại dương và là một phần nguyên nhân khiến các rặng san hô chết hàng loạt.

Hành vi du lịch vô ý thức đang hủy hoại tự nhiên 1
Các rặng san hô – khu rừng dưới đáy biển – đang bị đe dọa bởi các hoạt động du lịch của con người.

Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng cùng sự quy hoạch bừa bãi của các công trình phục vụ du lịch cũng gây ảnh hưởng tới các loài động vật, khiến chúng thay đổi tập tính kiếm ăn, sinh sản hoặc thậm chí phá hủy hoàn toàn môi trường sống.

Phát triển du lịch còn tạo ra gánh nặng lên tài nguyên thiên nhiên, thậm chí có thể gây ra sự suy kiệt ở địa phương, ví dụ như nước ngọt ở các đảo hay động vật bị khai thác làm “đặc sản” để phục vụ du khách.

Các tình trạng trên có nguy cơ ngày càng trở nên nghiêm trọng khi du lịch tiếp tục gia tăng nhu cầu còn người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp có xu hướng bất chấp để đạt được lợi ích kinh tế trước mắt.

Hướng tới du lịch bền vững

Theo các chuyên gia từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), du lịch hoàn toàn có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến công tác bảo vệ môi trường. Để đạt được điều này, IUCN đề xuất thay đổi phương pháp tiếp cận, phát triển du lịch hướng tới 3 mục tiêu: lợi nhuận, môi trường và cộng đồng, thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận như hiện tại.

Thực hiện được phương pháp tiếp cận trên đặt ra thách thức không hề nhỏ, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của chính quyền, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, người dân địa phương cũng như khách du lịch và các bên liên quan.

Cụ thể, người dân địa phương và doanh nghiệp không được chạy theo lợi nhuận trước mắt, kiên quyết duy trì các quy tắc về môi trường, tránh vì “chiều lòng khách” mà phá hoại tự nhiên.

Chính quyền địa phương cần đưa ra những chính sách phù hợp cho phát triển du lịch, tăng cường kiểm soát các hoạt động du lịch từ những dự án xây dựng cho tới hoạt động của doanh nghiệp và du khách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chính du khách mới là nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy du lịch bền vững. Theo đó, không chỉ thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc bảo vệ môi trường, du khách cũng có thể đóng góp vào việc xây dựng ngành du lịch bền vững thông qua việc tẩy chay, lên án những doanh nghiệp, hoạt động tổ chức du lịch thiếu lành mạnh và vô trách nhiệm.