HDBank nhận thêm 70 triệu USD để tài trợ năng lượng tái tạo

Hoài An - 13:25, 23/12/2021

TheLEADERIFC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho HDBank – một trong những ngân hàng hàng đầu về tài trợ khí hậu – để tăng nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Với khoản vay của IFC, dự kiến HDBank ​​sẽ mở rộng danh mục tài trợ khí hậu lên tới trên 800 triệu USD vào năm 2025, từ đó giúp cắt giảm hơn 54.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và sau đó.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, cho biết trong giai đoạn tới, HDBank coi tài trợ khí hậu là động lực phát triển, đặc biệt khi các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời với việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguồn tài trợ dài hạn cùng kinh nghiệm của IFC sẽ hỗ trợ cho nỗ lực tăng cường hơn nữa lĩnh vực kinh doanh khí hậu một cách có hệ thống của HDBank.

Cùng với đó, khoản vay sẽ cho phép doanh nghiệp này mở rộng danh mục đầu tư khí hậu bằng cách phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến khí hậu, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.

Là quốc gia tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, trong vòng 10 năm tới, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số gia tăng.

Phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giữ vững lộ trình giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu 9% vào năm 2030, và xa hơn nữa là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại hội nghị khí hậu toàn cầu COP26.

Hiện tại, điện than chiếm tới 50% sản lượng điện của Việt Nam, khiến việc chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng xanh hơn, phát thải ít carbon hơn cùng việc tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho quá trình này trở nên cấp thiết, để Việt Nam có thể đạt được các cam kết.

Là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, tổng tiềm năng đầu tư về khí hậu của Việt Nam ước tính ở mức 753 tỷ USD vào năm 2030, trong đó có tới 59 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đến năm 2016, tài trợ khí hậu ở Việt Nam – tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng – chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD, cho thấy thiếu hụt đáng kể về tài trợ khí hậu.

“Nâng cao năng lực cho các ngân hàng sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường tài trợ khí hậu, hỗ trợ khả năng thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, và đẩy nhanh sự dịch chuyển sang các mô hình kinh tế phát thải các-bon thấp bền vững”, ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch IFC phụ trách châu Á - Thái Bình Dương đánh giá.

Khi phục hồi sau Covid-19, Việt Nam sẽ có cơ hội lịch sử để ưu tiên triển khai các giải pháp bền vững và thông minh về khí hậu với sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân. Điều này sẽ giúp Việt Nam tái thiết hiệu quả hơn, xanh hơn và bền vững hơn.

Biến đổi khí hậu là một trụ cột chiến lược trong hoạt động của IFC tại Việt Nam. IFC đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tài trợ và thu hút khu vực tư nhân tham gia hành động vì khí hậu. Tổ chức này đang hỗ trợ bốn ngân hàng thương mại của Việt Nam mở rộng danh mục tài trợ khí hậu lên đến 1,2 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2021 – 2025, IFC và Ngân hàng Thế giới đang xây dựng một công cụ đánh giá mới – báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR) – để giúp Việt Nam gắn hành động về khí hậu với những nỗ lực phát triển rộng hơn.

Công cụ này sẽ nhận diện và thiết lập thứ tự ưu tiên đối với những cơ hội hành động về khí hậu có tác động mạnh mẽ, để xác định những hoạt động và dự án đầu tư về khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong năm năm tới.