‘Hệ thống y tế không thể trụ được nếu vẫn coi Covid-19 là đại dịch’

Nhật Hạ - 08:59, 23/02/2022

TheLEADER“Nếu cứ coi Covid-19 là đại dịch, thực hiện những quy định hiện hành thì không thể duy trì được lực lượng y tế. Bằng mọi cách, chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, bệnh nhân vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống mới trở lại bình thường như cũ được”, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Trong 2 năm chống dịch vừa qua, hệ thống y tế đã xảy ra hiện tượng quá tải và bộc lộ nhiều điểm yếu. Các y bác sỹ trên mặt trận chống dịch liên tục làm việc ở môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, công việc có nhiều áp lực.

Một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Hằng ngày làm việc tập trung từ 10 đến 12 tiếng và thậm chí còn dài hơn trong thời gian rất dài từ 15 ngày sau đó thay ca. Trước khi về với gia đình, họ còn phải cách ly 7 ngày.

Như vậy 1 nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Nhưng rồi do người bệnh đông nên họ phải nhanh chóng quay trở lại làm việc. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình.

Ngoài chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế còn mang trên mình những bộ đồ bảo hộ nóng và bí. Việc thiếu nhân lực và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tiết kiệm trong việc sử dụng các bộ đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế làm gia tăng áp lực tinh thần và thể chất của nhân viên y tế.

Tuy nhiên, tình trạng trên không thể kéo dài. Nếu cứ coi Covid-19 là đại dịch, thực hiện những quy định hiện nay, mỗi đợt làm việc của nhân viên y tế là 21 ngày xong thay vòng thì không thể nào duy trì được lực lượng, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định tại tọa đàm “Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” mới đây.

‘Hệ thống y tế không thể trụ được nếu vẫn coi Covid-19 là đại dịch’
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Quang Thương

Thiếu nhân lực

Do đó, “bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được”, theo BS. Hiếu.

Chia sẻ về những khó khăn khi phải điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch mà vẫn phải cân đối, duy trì các hoạt động bình thường khác của bệnh viện, ông Hiếu cho biết trước khi có dịch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện khám chữa bệnh với quy mô cơ sở 1 ở Tôn Thất Tùng là 500 giường bệnh và có cơ sở 2 ở Trương Công Giai. Tổng số nhân viên y tế hơn 1.000 người.

Sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 ở Hoàng Mai, có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch với quy mô 500 giường. Với 500 giường thì cần khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên.

Vì vậy, bệnh viện gặp vấn đề lớn về nhân lực. Mặc dù bệnh viện ở Hoàng Mai đã được xây dựng thần tốc trong vòng 1 tháng với trang thiết bị hiện đại dành để điều trị cho các bệnh nhân rất nặng của Hà Nội.

Ông Hiếu cho biết, sáng nay, vẫn còn 200 bệnh nhân. Số lượng không tăng lên mà vẫn duy trì. Đó là may mắn. Tuy nhiên, để điều hành 200 giường hồi sức, ECMO, thở máy… thì bệnh viện mới xây cũng cần nhân lực rất lớn.

Thiếu vật tư

Bên cạnh việc thiếu nhân lực, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là duy trì hoạt động, kinh tế vật tư trang thiết bị tại bệnh viện.

“Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn lực huy động được chúng tôi đã huy động rồi, không thể xin mãi được tiền tài trợ”, ông Hiếu cho biết và kiến nghị “rất cần chính sách để các bệnh viện có thể duy trì được lâu dài”.

Hiện nay bệnh viện xây dựng và triển khai quy trình rất chặt chẽ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây vì không còn đủ tiền để mà mua trang thiết bị. Một bộ bảo hộ lên đến 500.000 - 600.000 đồng.

Vì vậy, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ thông thường và kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo đảm sự lây nhiễm chéo ít nhất trong bệnh viên. Bs. Hiếu cho biết: “Đấy là những cách chúng tôi làm để dần dần biến Covid-19 trở thành bệnh lý chuyên khoa”.

‘Hệ thống y tế không thể trụ được nếu vẫn coi Covid-19 là đại dịch’ 1
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa, Bình Dương. Ảnh: Hứa Phương

Khó duy trì thu nhập cho nhân viên y tế

Việc duy trì thu nhập cho nhân viên y tế bằng trước khi xảy ra đại dịch cũng là vấn đề khó tại các bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiều bệnh viện hầu như đã cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm của nhân viên, chỉ còn lương cơ bản. Tiền chống dịch thì hiện nay cũng sắp thay đổi nên rất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch sẽ được điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cần những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đó là những chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Ông Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40 - 70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội và cũng là Giám đốc bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã đề xuất 5 nội dung sau:

Thứ nhất, Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có hiệu lực. Đây là nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới. Tuy nhiên vẫn chưa có nghị định để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12.

Theo ông Hiếu, "hiện nay bệnh viện rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn".

Thứ hai, Nghị quyết 12 có nội dung các bệnh viện phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin phần thu, chi trong khám, chữa bệnh để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời điều trị, hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới. 

Vừa qua, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được xây dựng và đang phát huy hiệu quả. Gần 10.000 ca đang theo dõi trên hệ thống cổng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đường dây nóng hotline… Tuy nhiên, hình thức khám chữa này vẫn đang miễn phí và chưa có cách nào để chi trả, cũng chưa có hướng dẫn, trách nhiệm không rõ.

Thứ ba, phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán.

Hiện nay, 1 điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai có tổng thu nhập 9 triệu/ tháng do nguồn tài chính của bệnh viện còn hạn chế. 

"Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy nhưng còn gia đình, còn vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng", ông Hiếu trăn trở.

Thứ tư là có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 như: tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay, bệnh viện không có biên chế mà nhận thêm gần 500 người vào viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thì làm sao thanh toán, chi trả cho họ được. Do đó, ông Hiếu cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người. 

Một vấn đề nữa, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đây, những nhà hảo tâm đã cho rất nhiều tiền để ủng hộ chống dịch, thậm chí đến hàng trăm tỷ nhưng cuối cùng lại không được miễn thuế, không được giảm trừ, nên nguồn lực bị hạn chế. Do đó, ông Hiếu đề xuất có chính sách rõ ràng để giảm thuế cho những đơn vị có lòng hảo tâm, tham gia đóng góp chống dịch.