Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19 sao cho đúng và trúng?

20:00, 31/07/2020

TheLEADERNgân hàng thế giới cho rằng Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, tránh rủi ro lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường.

Trả lời câu hỏi của TheLEADER tại buổi công bố báo cáo Điểm lại, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng World Bank (Ngân hàng thế giới) tại Việt Nam, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có mục tiêu hỗ trợ bởi không phải ngành nghề nào cũng chịu ảnh hưởng giống nhau từ dịch Covid-19. Ba ngành nghề đến nay chịu tác động nặng nề nhất bao gồm du lịch, vận tải hành khách và chế biến, chế tạo xuất khẩu.

Du lịch Việt Nam hồi đầu năm kỳ vọng có thể đón 20 triệu lượt khách quốc tế nhưng câu chuyện tại Đà Nẵng mới đây đã cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch rất mong manh, ông Jacques Morisset phân tích.

Ngành vận tải cũng không nằm ngoài ảnh hưởng và đến nay, vận tải hành khách quốc tế chịu tác động nặng nề. Ông cho biết nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã và đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Chế biến, chế tạo hàng xuất khẩu được đánh giá có sức chống chọi khá tốt trong thời kỳ khủng hoảng nhờ vào hoạt động sản xuất thay thế sản phẩm Trung Quốc tại Việt Nam.Tuy nhiên, ngành này cũng cần được hỗ trợ trong thời gian tới bởi đây là một trong những động lực chính của tăng trưởng.

Hỗ trợ sao cho đúng và trúng?

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng thế giới nhận định, chế biến, chế tạp hàng xuất khẩu nhìn chung đã phục hồi trong hai tháng qua nhưng các ngành công nghiệp xuất khẩu có nguy cơ dễ tổn thương do sức cầu nước ngoài đang yếu đi. Thực chất, ngoại trừ các mặt hàng máy tính và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các mặt hàng đều bị suy giảm trong sáu tháng qua và xu hướng đi xuống tiếp tục tăng tốc theo thời gian.

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi nhưng nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Một số ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn tại khu vực nông thôn trong khi nhiều doanh nghiệp có khả năng phục hồi tương đối nhanh ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại trong nước vào cuối tháng 4.

Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực phi chính thức có khả năng linh hoạt để tái mở cửa và đáp ứng được nhu cầu trong nước tăng lên, doanh số bán lẻ tăng đến 10% vào tháng 5 và tháng 6.

Các doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp lớn ở khu vực chính thức, được hưởng lợi từ vốn vay linh hoạt của ngân hàng và các biện pháp giãn thuế được triển khai trong gói hỗ trợ tài khóa được ban hành đầu tháng 4.

Chính vì vậy, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không rủi ro sẽ là lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường.

Sau khi xác định được những doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kéo dài do khủng hoảng Covid-19 gây ra, Chính phủ cần cân nhắc giúp những đối tượng dự kiến có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi nhanh chóng. Lý do can thiệp của Nhà nước là giữ chân để họ đóng góp cho khôi phục kinh tế bằng cách đảm bảo họ có đủ nguồn tài lực và nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong nước tăng lên.

Để tránh tác động tiêu cực kéo dài cho nền kinh tế và người lao động, điều hết sức quan trọng là các doanh nghiệp có thể đứng vững không được thoái lui và các tổ chức tài chính phải tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và vốn lưu động cho doanh nghiệp theo cách bền vững.

Chính phủ có thể sử dụng nhiều loại công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Ngân hàng thế giới, Chính phủ có thể áp dụng các giải pháp tài khóa như giãn và hoãn thuế tạm thời, trợ cấp và giảm phí, hoặc hỗ trợ tiền trực tiếp một cách hợp lệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng hoàn trả; trợ cấp một lần cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ ở khu vực phi chính thức đang muốn chuyển sang khu vực chính thức; có cơ cấu cứu trợ đặc biệt nhằm cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo trần lãi suất hàng năm trong một giai đoạn hạn chế.

Cùng với đó, có thể sử dụng quỹ đoàn kết ngành du lịch nhằm quảng bá các điểm đến đặc biệt của hội đồng ngành du lịch; thẻ chiết khấu du lịch qua phối hợp với hàng không, khu nghỉ dưỡng, khách sạn hay miễn giảm thuế thu nhập cho các cá nhân có phát sinh chi tiêu cho du lịch trong nước.

Việt Nam đến nay đã có những động thái theo hướng này, cụ thể thông qua hàng loạt các biện pháp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhằm nới lỏng điều kiện tín dụng và áp lực thanh khoản bằng các gói hỗ trợ tài khóa do Chính phủ công bố đầu tháng 4. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.

Để hỗ trợ khu vực tư nhân, Chính phủ cũng cần khuyến khích quá trình tái phân bổ nguồn lực từ các doanh nghiệp dự kiến khó có thể phục hồi nhanh chóng sang các hoạt động đem lại lợi nhuận cao hơn.

Ví dụ như tại Singapore, tài xế lái taxi được khuyến khích chuyển sang giao hàng hoặc đặt hàng trực tuyến, khối lượng đã tăng nhanh chóng trong đại dịch. Tương tự, các nền tảng số an toàn cần được khuyến khích phát triển để lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa được phát triển, các cửa hàng có thể mở ra kinh doanh trực tuyến.

Về kinh tế đối ngoại, Chính phủ có thể giúp các doanh nghiệp mong muốn chuyển sang hoạt động ở các thị trường dự kiến sẽ mở cửa nhanh hơn, tạo ra cơ hội và sự cộng hưởng.