Hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tặng học sinh vùng cao

Phạm Sơn (thực hiện) - 09:43, 13/02/2021

TheLEADERXe đạp là món vật dụng quen thuộc, là hình ảnh đẹp trong hoài niệm của nhiều người nhưng cũng là món đồ bị “xếp xó” nhiều nhất, đặc biệt là tại khu vực thành thị, khi dần được thay thế bởi xe máy, xe điện.

Thế nhưng thứ phương tiện “cổ lỗ sĩ” ấy, qua bàn tay của những người thợ tỉ mỉ và cần mẫn, lại đang trở thành món quà quý giá dành tặng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đó cũng là nội dung dự án Hồi sinh xe đạp (Rebike for kids – R4K), sáng kiến của anh Trần Quyết Thắng ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Gặp anh Thắng trong một chuyến đi “xin xe” tại Hà Nội, khi anh đang ngơ ngác lần mò địa chỉ của một người ngỏ ý muốn tặng xe đạp cho R4K, với ma trận ngõ ngách của thủ đô, “vào thì dễ mà chẳng biết đường ra”. Đây là lần thứ tư anh ra Hà Nội xin xe, bởi kho xe tại Hà Tĩnh đã được tân trang toàn bộ để chuẩn bị cho chuyến thiện nguyện tới vùng Hà Giang và Gia Lai.

Khởi động từ tháng tư, cho đến nay dự án R4K đã hoàn thiện được hơn 200 chiếc xe để giúp cho học sinh nghèo đến trường. Ngoài xe đạp, nhóm thiện nguyện còn tân trang và trao tặng nhiều chiếc xe lăn tới người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngồi trên khoang xe tải để “phượt” xuyên Hà Nội gom xe đạp cũ, anh Thắng chia sẻ câu chuyện về R4K, dự án thiện nguyện “vất vả” nhưng chứa đựng nhiều giá trị về lòng nhân ái.

Ý tưởng về dự án Hồi sinh xe đạp ra đời từ hoàn cảnh nào?

Trần Quyết Thắng: Khoảng từ tháng tư năm nay, trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, mình cùng nhóm bạn quyết định đạp xe để rèn luyện sức khỏe vì các phòng tập gym đều phải đóng cửa.

Hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tặng học sinh vùng cao
Anh Trần Quyết Thắng tặng xe đạp cho học sinh vùng cao.

Lúc đó, mình phát hiện ra có rất nhiều chiếc xe đạp đang bị bỏ phí, xếp kín vào một góc bởi ngày nay người dân chuyển hết qua đi xe máy, xe đạp điện.

Liên tưởng đến hình ảnh những cô bé, cậu bé học sinh nghèo, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi phải đi bộ hàng cây số đến trường với chiếc dép mòn vẹt, ý tưởng tái chế những chiếc xe đạp để tặng cho các bạn ấy đã nhen nhóm kể từ đó.

Nghĩ là làm, mình bắt tay vào xin được 3 chiếc xe đạp cũ nhưng mang về sửa lại thì chẳng đi được. Lúc ấy mới biết, hóa ra sửa xe đạp chẳng phải công việc đơn giản, đặc biệt là để cho ra đời những chiếc xe có thể hoạt động tốt, đảm bảo an toàn và độ bền khi di chuyển trên đường gập ghềnh đất đá vùng núi, nông thôn.

Thế là lại đi học sửa xe đạp, mang mấy chiếc xe ra tiệm nhờ họ lắp ráp lại, rồi nhảy vào phụ để học việc luôn. Được mấy chiếc thì bắt đầu biết cách làm. Đến nay thì sửa xe có nghề lắm.

Những chiếc xe xin về hầu hết là đã bỏ đi, hư hỏng, một số khác mình mua ở các bãi phế liệu. Công đoạn phục hồi thì mình tháo rời toàn bộ những chiếc xe đó, giữ lại những gì còn sử dụng được, thay thế linh kiện hỏng, đánh sạch rỉ sét, phun sơn, lắp ráp và gắn logo R4K để cho ra đời những chiếc xe đạp có ngoại hình và chất lượng như mới. Những gì không dùng lại được nữa thì đem cho người đồng nát, ve chai.

Mỗi lần tặng xe là một lần mình được biết thêm câu chuyện về những bạn nhỏ đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Các bạn ấy đều rất ngoan, chăm chỉ và thông minh dù phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa. Càng tặng xe, mình càng hiểu được rằng những chiếc xe đạp vốn bị “xếp xó”, đối với các bạn ấy lại là món quà quý giá biết nhường nào. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục thực hiện dự án.

Tại sao anh lại lựa chọn hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tốn nhiều thời gian, công sức? Sao không phải là những hoạt động thiện nguyện bình thường như trao tiền, mua quà, mua xe tặng học sinh nghèo?

Trần Quyết Thắng: Như đã nói, công việc sửa xe đạp tương đối phức tạp để đảm bảo chất lượng khi trao đến tay các em học sinh. Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng là một vấn đề. Mình thường phải nhờ đến sự hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện để tiết kiệm, nếu không chi phí có khi còn vượt quá cả việc vào tận nơi rồi mua xe đạp mới để tặng.

Hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tặng học sinh vùng cao 1
Anh Trần Quyết Thắng

Thế nhưng R4K vẫn lựa chọn việc sửa lại xe đạp cũ, để mỗi chiếc xe thực sự trở thành những món quà ý nghĩa, chứa đựng tình cảm, công sức của những nhà từ thiện, tình nguyện viên, tiếp thêm động lực quý giá, giúp các em vững bước vượt qua khó khăn.

Thêm vào đó, thông qua việc hồi sinh xe đạp, mình và các thành viên của R4K mong muốn lan tỏa thêm thông điệp về tái chế, tận dụng nguồn nguyên liệu cũ, hỏng, không còn được sử dụng để làm nên những điều kỳ diệu.

Trong thời gian tới, R4K sẽ trang bị thêm một số máy móc để cho ra đời nhiều hơn những chiếc xe đạp, để trẻ em nghèo không còn phải đi bộ đến trường. Bên cạnh đó, mình đang có dự định hợp tác với các trường cao đẳng, dạy nghề trên toàn quốc để những các bạn học viên, sinh viên tham gia vào việc hồi sinh xe đạp, vừa giúp nâng cao tay nghề, vừa xây dựng tấm lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

Hiện tại, đã có trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đưa các hoạt động của dự án R4K vào chương trình học. Hiện tại, các giảng viên của trường đang xây dựng giáo trình dạy về xe đạp và để cho sinh viên thực hành trên chính những chiếc xe mà mình xin được.

Thêm nữa là mình vốn rất thích mấy món đồ cũ, suốt ngày lôi quạt điện, đồng hồ, ti vi, đài cát sét cũ hỏng ra sửa lại. Lần vừa rồi đi từ thiện ở huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai, chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thiếu thốn và kham khổ. Đối với họ, những đồ điện cũ kỹ như ti vi, quạt điện có thể là cả một gia tài, trong khi người miền xuôi thì chẳng còn dùng đến nữa.

Sắp tới, mình đang cân nhắc chuyện mở rộng tái chế và quyên góp cả những món đồ điện tử cơ bản để giúp cho cuộc sống bà con đồng bào thiểu số bớt được phần nào khó khăn. Chẳng hạn như mùa hè oi nóng, như chúng ta thì phải ngồi điều hòa mới chịu được, mà chỉ cần có một chiếc quạt điện thôi, bà con trên đó đã phấn khởi lắm rồi.

R4K đã và đang được cộng đồng biết đến, được báo chí và cả đài truyền hình đưa tin nhiều. Theo anh điều gì làm nên thành công ấy?

Trần Quyết Thắng: Cá nhân mình thấy đây không phải thành công về tiền bạc, vật chất, địa vị mà là đã xây dựng một dự án cộng đồng có tính lan tỏa nhất định.

Thành công ấy không thuộc về riêng mình, mà còn là của rất nhiều những tấm lòng, những sự đóng góp thầm lặng của những con người có tấm lòng nhân hậu. Đó cũng là sự may mắn mà không phải ai cũng có được trên hành trình đem đến những giá trị cho cộng đồng.

Kể từ khi khởi động dự án, thông qua mạng xã hội cũng như các mối quan hệ, nhiều tình nguyện viên, nhà hảo tâm đã tìm đến ngỏ ý muốn cùng với mình giúp đỡ trẻ em nghèo, trong số đó có cả những người mình chưa từng gặp mặt.

Hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tặng học sinh vùng cao 2
Các thành viên của R4K mong muốn lan tỏa thêm thông điệp về tái chế.

Mọi sự giúp đỡ đều là tùy tâm, bằng tiền bạc, hiện vật hay công sức. Kể từ khi bắt tay vào hồi sinh xe đạp, chắc là được trời thương, làm việc gì cũng cảm thấy thuận lợi, đi đến đâu cũng có người hết lòng hỗ trợ.

Ngày đầu tiên “đánh liều” ra Hà Nội xin xe mà còn chưa biết được sẽ di chuyển như thế nào, lấy gì để vận chuyển, chỉ cứ nghĩ cần phải đi xin xe, thế là đi thôi. Rồi mình được một bạn chưa hề quen biết chủ động liên hệ, tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, vận chuyển, ăn uống trong suốt mấy ngày liền.

Những máy móc, thiết bị mà R4K dùng để sửa xe hàng ngày cũng là nhờ sự đóng góp ít nhiều. Rồi nhờ báo chí, nhờ mạng xã hội, dự án ngày càng phát triển. Hiện nay đã có gần 10 đội nhóm tình nguyện viên tổ chức hoạt động xin, sửa và trao tặng xe tại các tỉnh thành trên cả nước.

Mới đây, quỹ từ thiện của người Việt tại Úc - Viet Nam Foundation đã tài trợ cho dự án R4K, chính thức kể từ chiếc xe số 152. Hãng sơn Samurai cũng tài trợ sơn xịt xe đạp, tổ chức chương trình cùng các bạn học sinh THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh sơn xe giúp R4K.

Còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái, những cử chỉ nghĩa tình mà các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước dành cho R4K, dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mình tin rằng dự án R4K được xây dựng dựa trên tình yêu và nhiệt huyết, sẽ được nhân rộng và tiếp tục phát triển.

Ngoài dự án R4K, anh còn có kế hoạch thực hiện những hoạt động thiện nguyện nào?

Trần Quyết Thắng: Mình tham gia các hoạt động cộng đồng từ nhiều năm nay, bắt đầu chỉ từ những chuyến đi tới vùng khó khăn, trao tặng tiền quyên góp, quần áo ấm, sách vở, chăn màn, giày dép cho đồng bào, đặc biệt là trẻ em, học sinh.

Sau nhiều chuyến đi như vậy, phần nào thấu hiểu được sự khó khăn của bà con, mình bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng những chương trình từ thiện thiết thực và hiệu quả hơn.

Năm nay và những năm trước, mình luôn có mặt tại miền Trung từ trước khi những cơn bão lũ, thiên tai ập đến để trở thành một đầu mối liên hệ trong vùng bão, kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình cho các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Mỗi lần bão lũ tràn vào miền Trung, người ta lại thi nhau quyên góp, ủng hộ đồng bào, nhưng do chưa biết, chưa hiểu bà con thực sự cần gì, thành ra có những trường hợp, có gia đình được tặng tới hơn 70 thùng mì tôm, chất như hàng tạp hóa, dùng mấy năm mới hết, trong khi nhà cửa tan hoang, vật dụng, xe cộ, sách vở hỏng hết cả. Do vậy rất cần có sự hỗ trợ, thông tin để hoạt động cứu trợ của mọi người hiệu quả hơn.

Hồi sinh những chiếc xe đạp cũ tặng học sinh vùng cao 3
Niềm vui của các em học sinh khi được nhận xe đạp từ nhóm R4K Đà Nẵng. Ảnh: R4K

Khoảng thời gian đó, mình đã vận động nhiều hoạt động thiện nguyện như nhờ các thợ sửa xe vào hỗ trợ bà con sửa lại xe máy bị ngâm nước, phun thuốc sát khuẩn để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, mua bình lọc nước, cano, áo phao cứu trợ. Các hoạt động này được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, có người còn lấy cả tiền tiết kiệm, dành dụm suốt cả năm để mua cano cho đồng bào vùng lũ.

Một điều mà mình luôn trăn trở, là những năm trở lại đây, năm nào bão cũng mạnh, lũ cũng cao, năm sau cao hơn năm trước. Bà con miền Trung cần phải an cư, lạc nghiệp, chứ không thể cứ sinh sống, làm ăn trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, không biết khi nào lũ sẽ tràn về, cuốn sạch hết đi biết bao công sức, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Nhớ mãi hình ảnh khi đoàn cứu hộ đưa cano tới cứu người dân thoát khỏi dòng nước lũ, có bà cụ chắp tay khẩn khoản: “cảm ơn các chú, bà được cứu rồi”. Nhưng còn nhiều người khác không may mắn như vậy. Câu chuyện về em học sinh quỳ gục trước nấm mồ của cha mẹ, người phụ nữ bị lũ cuốn trôi, bỏ lại đứa con thơ đang chập chững biết đi hay nhiều hình ảnh đau thương khác nữa vẫn luôn canh cánh trong lòng.

Qua đó, mình hiểu được rằng, những giải pháp cứu hộ, cứu nạn chỉ là tạm thời, cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả và lâu dài để giải quyết tình trạng này.

Trong đợt thiên tai vừa qua, có một số người làm từ thiện theo cách “kỳ cục”, phá rừng để hỗ trợ đồng bào. Rồi những lần họp bàn phòng chống thiên tai trên chiếc bàn bằng gỗ rất to. Nhiều người vẫn không hiểu được rằng, rừng là tài nguyên quý giá, là hàng rào phòng hộ cho người dân trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Song song với đó, những biện pháp giúp người dân bảo vệ tính mạng và tài sản trước thiên tai cũng cần phải được triển khai. Mình từng có thời gian xây “nhà chống lũ” giống như chị Giang “Kều”, được đâu đó khoảng độ 30 căn. Sắp tới, mình sẽ tập trung hỗ trợ người dân xây dựng nhà cộng đồng, với diện tích đủ rộng, trang bị đầy đủ nước sạch, thuốc men, lương thực để bà con có nơi lánh nạn trong những ngày mưa bão.

Lũ rút đi, bà con dần dần ổn định sinh hoạt, các đoàn cứu trợ quay trở lại cuộc sống thường nhật, mình cũng lại tiếp tục rong ruổi đi xin xe đem tặng cho trẻ em nghèo. Nhưng liệu có mấy ai còn nhớ đến chuyện trồng rừng, mua áo phao để những cảnh tượng đau thương không còn tái diễn.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!