Xoá bỏ định kiến về sản phẩm tái chế

Phạm Sơn - 11:17, 22/12/2020

TheLEADERMột bộ phận người tiêu dùng vẫn còn giữ định kiến về sản phẩm tái chế, gây ra cản trở cho quá trình hình thành cơ chế thị trường tái chế.

Xoá bỏ định kiến về sản phẩm tái chế
La Vie ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng đóng chai sử dụng 50% nguyên liệu nhựa tái chế.

Ngày 9/12 vừa qua, La Vie đã ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng đóng chai sử dụng 50% nguyên liệu nhựa tái chế (rPET).

Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng của La Vie nhằm thực hiện hóa mục tiêu, cam kết trong Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), sau những sáng kiến về thiết kế sản phẩm như loại bỏ màng co nắp chai, sử dụng nhựa trong suốt thay cho nhựa màu.

Động thái này nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao từ phía người tiêu dùng, cho thấy nhận thức của khách hàng về dòng sản phẩm thân thiện với môi trường đang ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm tái chế nào cũng được đón nhận như vậy. Thực tế, không ít sản phẩm tái chế phải chịu những định kiến của người tiêu dùng, coi là đồ cũ, chất lượng kém đảm bảo.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thiếu hụt về công nghệ, quy trình quản lý vận hành tái chế, chi phí tái chế có thể bị đội lên tương đối cao. Để hình thành cơ chế thị trường tái chế, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, người tiêu dùng cũng cần phải chấp nhận sản phẩm tái chế ở một mức độ nhất định.

Hiểu đúng về tái chế

GS. Karen Winterich, Đại học Penn Sate cho biết, một trong những lý do khiến sản phẩm tái chế không được xem trọng là người tiêu dùng đang hiểu sai về tái chế.

Theo đó, những phần còn lại của sản phẩm sau khi sử dụng, nếu có thể tái chế thì nên được hiểu là nguyên vật liệu, chứ không phải là rác thải tái chế.

“Chúng ta chỉ nên coi đó là rác nếu nó không còn giá trị sử dụng”, ông Winterich nhận định.

Vừa qua, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội phê duyệt cũng đưa ra phương pháp tiếp cận “coi rác thải là tài nguyên”, tuy nhiên nhiều người vẫn còn đặt nặng thành kiến với từ “rác thải”.

Bên cạnh đó, suy nghĩ định kiến về đồ tái chế cũng một phần đến từ nhiều sản phẩm được gắn mác tái chế trôi nổi trên thị trường với chất lượng kém, tiêu biểu là các sản phẩm nhựa, xốp dùng một lần hoặc những đồ dùng nhựa có xuất xứ không rõ ràng.

Theo các chuyên gia, để sản phẩm tái chế đạt chất lượng cao không phải là điều dễ dàng, khi nguyên vật liệu đầu vào cần phải qua nhiều công đoạn phân loại, làm sạch, tùy thuộc vào chất lượng của hệ thống thu gom.

Từ đó, để giải tỏa tâm lý e ngại, đắn đo của người tiêu dùng, Nhà nước cần có phương án kiểm soát, chứng nhận chất lượng sản phẩm tái chế, đồng thời thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thu gom và phân loại rác thải.

Tiên phong để mở đường

Thực tế, sản phẩm nước khoáng đóng chai sử dụng 50% nguyên liệu rPET dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận bởi La Vie là một thương hiệu lớn, lâu đời, có uy tín mang tầm quốc tế.

Nhờ đó, người tiêu dùng có thể cảm thấy an tâm và tin tưởng rằng những chai nhựa này thực sự an toàn và đảm bảo chất lượng.

Như vậy, các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và uy tín cần phải đóng vai trò tiên phong trong công tác định hướng thay đổi hành vi tiêu dùng, không chỉ cho sản phẩm tái chế mà còn cả những sản phẩm thân thiện với môi trường khác.

Đây cũng là phương án giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, hoạt động truyền thông nên tăng cường theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm tái chế.

“Nếu những đồ vật tái chế được sử dụng và quảng bá bởi những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, mọi người sẽ nhìn nhận khác về các sản phẩm tái chế, từ đó xóa bỏ đi những định kiến không đáng có”, ông Trần Quyết Thắng, một nhà hoạt động xã hội nhận định.