IFC rót 30 triệu USD vào nhà máy điện rác Bắc Ninh

Hoài An - 14:23, 16/12/2021

TheLEADERKhoản vay sẽ giúp nâng cao năng lực xử lý rác thải của tỉnh Bắc Ninh, và giảm tác động tới môi trường. Đồng thời, bảo vệ người dân trước những nguy cơ về sức khỏe liên quan đến tình trạng rác thải không được xử lý đúng cách.

IFC mới đây cho biết đã cam kết đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng tại tỉnh Bắc Ninh, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Gói tài trợ của IFC bao gồm một khoản vay ưu đãi trị giá 15 triệu USD trong khuôn khổ chương trình Tài chính hỗn hợp về khí hậu của IFC – Phần Lan. Chương trình nhằm hỗ trợ các dự án sáng tạo mang lại nhiều lợi ích về khí hậu và phát triển, đồng thời thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án thông minh về khí hậu ở các nước đang phát triển.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho dự án trong khuôn khổ Chương trình tài trợ cho các dự án mẫu theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong năm 2021.

Gói tài trợ sẽ giúp Công ty TNHH Năng lượng xanh T&J xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn, và chuyển hóa thành điện năng hiện đại tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Hoạt động đốt chất thải tại nhà máy dự kiến ​​sẽ tạo ra gần 92.000MWh năng lượng sạch mỗi năm, ngăn ngừa phát thải khoảng 600.000 tấn khí nhà kính trong 15 năm. Lượng điện sản xuất ra sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo cơ chế mua điện với giá ưu đãi FiT trong 20 năm.

Năng lượng xanh T&J là liên doanh giữa CTCP Môi trường Thuận Thành – một công ty tái chế có trụ sở tại Bắc Ninh, và JFE Engineering Corporation – một công ty hàng đầu của Nhật Bản về xây dựng và vận hành các cơ sở xử lý chất thải.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ ​​bắt đầu hoạt động vào năm 2024, và mỗi ngày đốt 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, giúp cải thiện đáng kể năng lực xử lý rác thải hiện tại của tỉnh.

IFC rót 30 triệu vào nhà máy điện rác Bắc Ninh
Lễ khởi động dự án và ký kết hợp tác đầu tư.

Với khoảng 1,4 triệu dân và 16 khu công nghiệp, toàn tỉnh Bắc Ninh thải ra hơn 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, trong đó chỉ có 50% được xử lý, chủ yếu bằng các lò đốt kém hiệu quả và không thu hồi năng lượng, hoặc không kiểm soát phát thải chặt chẽ.

Trên toàn quốc, lượng chất thải rắn năm 2019 là khoảng 36 triệu tấn, và con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, với trên 60% lượng chất thải chưa được xử lý hoặc thải bỏ một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh này, nhà máy T&J sẽ áp dụng công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải rắn lành mạnh với môi trường, góp phần tránh các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đất và nước ngầm.

Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng giám đốc Năng lượng xanh T&J, cho biết đây sẽ là nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng hiện đại nhất Việt Nam.

Với tài trợ của IFC, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải của tỉnh, từ đó nâng cao điều kiện sống cho người dân địa phương và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe.

Nhà máy mới cũng sẽ giúp doanh nghiệp này giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khu công nghiệp tại địa phương.

“Coi chất thải như một nguồn tạo ra năng lượng sạch là giải pháp phù hợp để góp phần giải quyết vấn đề chất thải hiện đang cấp bách của Việt Nam, và hỗ trợ quốc gia chuyển đổi sang quỹ đạo tăng trưởng carbon thấp”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu.

Tài trợ từ IFC cho công ty xử lý rác thải tư nhân sẽ góp phần giảm gánh nặng cho chính phủ, thúc đẩy sự đầu tư của khu vực này vào phát triển loại cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Thời gian qua, khu vực tư nhân Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, cũng như nhận được nhiều hỗ trợ trong nỗ lực giảm thiểu rác thải, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch Việt Nam sang nền kinh tế carbon thấp.

Đơn cử, Việt Nam đã nhận chương trình tài trợ xanh đầu tiên với quy mô lớn do VPBank thực hiện với khoản tín dụng trị giá hơn 212 triệu USD do IFC cấp. Chương trình này bao gồm tám nhóm tài sản xanh, trong đó có nhóm “sản phẩm, sản xuất, và công nghệ thân thiện với môi trường và/hoặc phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn”.

Về phía các doanh nghiệp, năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn giúp quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

Nestlé tại Việt Nam, bao gồm công ty Nestlé Việt Nam và công ty La Vie – thành viên của PRO Việt Nam, mới đây đã công bố Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025.

Doanh nghiệp này còn ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cũng như thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững, và góp phần thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.