Khi quyền sở hữu trí tuệ bị sử dụng hết ở thị trường quốc tế

Tùng Anh - 11:40, 04/07/2022

TheLEADERQuan điểm của một nước về hết quyền quốc tế và nhập khẩu song song có thể tác động đến xuất khẩu và chính sách giá.

Khi quyền sở hữu trí tuệ bị sử dụng hết ở thị trường quốc tế
Doanh nghiệp cần nắm rõ việc quyền sở hữu trí tuệ có bị sử dụng hết sau khi bán hàng hoá lần đầu trên thị trường quốc tế

Khi xây dựng chính sách xuất/nhập khẩu, các doanh nghiệp vẫn luôn băn khoăn về khả năng khách hàng tự ý tái nhập và bán ở thị trường nội địa sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến việc xuất khẩu và chiến lược giá cả.

Việc tham vấn ý kiến chuyên gia về vấn đề này là điều cần thiết. Doanh nghiệp phải biết được rằng, liệu quyền sở hữu trí tuệ có bị “sử dụng hết” sau khi bán hàng hóa lần đầu tiên trên thị trường quốc tế hay không.

Sử dụng hết quyền sở hữu trí tuệ là một loại hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ. Nếu hàng hóa được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được doanh nghiệp bán hoặc do người khác bán với sự đồng ý của doanh nghiệp thì quyền sở hữu trí tuệ để khai thác thương mại đối với hàng hóa được cho là đã “hết”.

Đôi khi, hạn chế này còn được gọi là “học thuyết bán lần đầu” khi quyền khai thác thương mại đối với một sản phẩm cụ thể kết thúc cùng với việc bán sản phẩm lần đầu. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, hành vi bán lại, cho thuê, cho mượn hoặc các hình thức sử dụng thương mại sau đó của bên thứ ba sẽ không thuộc sự kiểm soát hoặc phản đối của doanh nghiệp.

Có một sự đồng thuận khá lớn rằng điều này áp dụng ít nhất là trong thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục kiểm soát các hành vi tiếp theo như bán lại, cho thuê hoặc cho mượn, tốt nhất là tiến hành li-xăng cho các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mà không phải là bán sản phẩm. Điều này thường diễn ra đối với các sản phẩm phần mềm.

Hơn thế nữa, hầu hết các nước có hạn chế về “học thuyết bán lần đầu”, ví dụ, bằng cách ngăn cấm người mua băng cat-xét âm thanh và video, đĩa CD và DVD không được cho thuê hoặc cho mượn các sản phẩm đó vì mục đích thương mại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Sử dụng hết quyền quốc tế

Có ít sự đồng thuận hơn về khả năng và mức độ liên quan đến việc bán hoặc khai thác thương mại một sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cũng làm hết quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm này ở trong nước.

Vấn đề này liên quan đến việc nhập khẩu song song - nhập khẩu hàng hóa không thuộc kênh phân phối được nhà sản xuất thỏa thuận theo hợp đồng đối với sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Vì nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không có quan hệ hợp đồng với nhà nhập khẩu song song, sản phẩm nhập khẩu đôi khi được gọi là “grey market goods” (hợp pháp nhưng không chính thức) có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cho dù đó chính là sản phẩm gốc. Chỉ có các kênh phân phối “song song” mới không được kiểm soát bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Sản phẩm được nhập khẩu song song có thể được đóng gói hoặc dán nhãn khác đi.

Dựa trên quyền nhập khẩu có được từ quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể cố gắng phản đối việc nhập khẩu hoặc tái nhập khẩu như vậy nhằm chia tách hoặc phân đoạn thị trường vì những lý do kinh doanh.

Tuy nhiên, việc tiếp thị sản phẩm bởi chủ sở hữu hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu ở nước ngoài sẽ dẫn đến sự hết quyền của tất cả các quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nội địa, do đó, quyền ngăn cấm nhập khẩu cũng sẽ bị hết. Nói cách khác, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể phản đối việc nhập khẩu sản phẩm vào một nước khác hoặc tái nhập khẩu vào nước sở tại nếu nó đã được bán lần đầu.

Do đó, nguyên tắc hết quyền có những tác động khác nhau, phụ thuộc vào việc nước nhập khẩu áp dụng chế độ hết quyền quốc gia, khu vực hoặc quốc tế. Khái niệm về hết quyền quốc gia không cho phép chủ sở hữu hoặc kiểm soát việc khai thác thương mại hàng hóa do chủ sở hữu quyền hoặc người được chủ sở hữu cho phép bán trên thị trường nội địa với điều kiện hàng hóa vẫn tồn tại trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền (hoặc người nhận li-xăng hợp pháp) vẫn có thể phản đối việc nhập khẩu hàng hóa gốc được bán trên thị trường nước ngoài hoặc được xuất khẩu từ thị trường nội địa, dựa trên các quyền về nhập khẩu.

Trong trường hợp hết quyền khu vực, việc chủ sở hữu quyền hoặc người được chủ sở hữu cho phép bán sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lần đầu sẽ làm hết tất cả quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm không chỉ ở trong nước mà trong toàn khu vực. Việc nhập khẩu song song trong khu vực có thể không bị phản đối trên cơ sở quyền sở hữu trí tuệ nhưng có thể bị phản đối ở biên giới của khu vực với các nước không nằm trong khu vực đó.

Nếu một nước áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ bị hết khi chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép bán sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ lần đầu bất kỳ đâu trên thế giới.

Các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc các đại diện sở hữu công nghiệp có thể cung cấp các hướng dẫn liên quan đến các quy định pháp lý đối với mỗi loại quyền sở hữu trí tuệ ở những nước mà doanh nghiệp quan tâm.

Tác động của hết quyền sở hữu trí tuệ đến xuất khẩu và chính sách giá

Nhiều doanh nghiệp áp dụng các mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm ở các thị trường khác nhau một phần phụ thuộc vào sức mua của người dân.

Do vậy, nếu một sản phẩm nhất định được sản xuất và bán bởi doanh nghiệp hoặc bởi công ty khác dựa trên một li-xăng do doanh nghiệp cấp, có thể được bán với một mức giá thấp hơn ở nước khác, và một người khác có thể mua sản phẩm này ở nước đó và nhập khẩu hoặc tái nhập khẩu sản phẩm này vào nước của doanh nghiệp.

Vì vậy, người nhập khẩu sẽ chào bán một sản phẩm do doanh nghiệp hoặc người nhận li-xăng từ doanh nghiệp với giá thấp hơn mức giá đang bán. Những hoạt động như vậy có thể chấp nhận được nếu nước của doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc hết quyền sở hữu trí tuệ quốc tế.

Do đó, quan điểm của một nước về hết quyền quốc tế và nhập khẩu song song có thể tác động đến xuất khẩu và chính sách giá.