Không quá 5% doanh nghiệp Việt có thể thực hiện đến cùng phương pháp quản lý 5S của Nhật

Quỳnh Như - 15:16, 10/12/2018

TheLEADERMặc dù rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng phương pháp quản lý 5S của người Nhật, nhưng không quá 5% thực hiện đến nơi đến chốn, ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Viện IMT, người đã có nhiều chục năm làm việc với các chuyên gia Nhật về chuyển giao công nghệ, nhận xét.

Không quá 5% doanh nghiệp Việt có thể thực hiện đến cùng phương pháp quản lý 5S của Nhật
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Chủ tịch viện IMT

Sau 30 năm đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất Nhật đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng suất và hiện đại hóa ngành sản xuất của Việt Nam.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp Nhật muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt, song quy trình chuyển giao thường không thuận lợi như mong đợi.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tuấn – Chủ tịch Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới (IMT) - đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp, đối tác chính thức của nhiều tập đoàn lớn Nhật Bản, một trong những lý do của thực trạng trên là do rất nhiều doanh nghiệp Việt đang áp dụng phương pháp quản lý 5S của người Nhật nhưng không quá 5% thực hiện được đến tận cùng và có thể duy trì. 

Ông Phạm Ngọc Tuấn đã có 43 năm kinh nghiệm về quản lý và tư vấn, nhiều năm làm việc với các chuyên gia trong các ngành sản xuất của Nhật, Chủ tịch của Ban liên lạc cựu tu nghiệp sinh AOTS/HIDA. Ông Tuấn cũng từng là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung Vietnam, TIE, Sametel, Saigon Postel Corp, Chủ tịch liên doanh CSA...

Chia sẻ với TheLEADER ông Tuấn cho biết, mặc dù người Nhật đã rất nỗ lực trong việc giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiện đại hóa ngành sản xuất bằng công nghệ qua nhiều hoạt động như tài trợ tu nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, cử chuyên gia từ Nhật đến tận nhà máy các doanh nghiệp Việt song kết quả thu được vẫn chưa được như mong muốn của hai bên, do khác biệt về tính cách cũng như chênh lệch về trình độ nhân sự khá lớn.

Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong 30 năm qua?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Trong 30 năm qua, tính đến cuối năm 2017, Nhật Bản đứng thứ hai về vốn FDI trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.599 dự án có tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đứng số 1 về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam cũng luôn xem Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Đầu tư của người Nhật vào Việt Nam thời gian gần đây có sự chuyển dịch khá rõ rệt với sự gia tăng khá nhanh đầu tư mới trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Đầu tư của Nhật Bản vào ngành sản xuất có thay đổi nhưng không còn ồ ạt như trước. Hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản thường quan tâm nhiều đến đến ngành dịch vụ, nông nghiệp, bất động sản và bán lẻ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang là điểm đến của sự dịch chuyển nhà xưởng sản xuất từ Trung Quốc của các công ty Nhật bởi sự tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong thời gian gần đây.

Trong ngành sản xuất, sản phẩm phần lớn các công ty Nhật Bản tại Việt Nam thường chỉ tiêu thụ một ít tại thị trường nội địa, còn phần lớn xuất ngược lại Nhật và các nước khác. Tôi biết nhiều công ty Nhật Bản chuyên về xuất khẩu như thế đang nằm ở các khu công nghiệp và khu chế xuất, như Uniqlo – họ đặt nhà máy tại Việt Nam sau đó xuất khẩu áo quần đi khắp thế giới với nhãn mác "made in Vietnam".

Bây giờ, doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam không chỉ xuất khẩu linh kiện mà còn cho ra sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng để xuất khẩu, như Honda, Canon, Panasonic, Tokin… Hầu như những kỹ thuật – công nghệ tiên tiến trên thế giới đều đã được người Nhật mang đến Việt Nam, kể cả công nghệ 4.0. 

Ngành hàng nào trong lĩnh vực sản xuất đang được người Nhật đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam hiện tại, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Công nghiệp chế biến và chế tạo là ngành được Nhật Bản đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, như điện tử, lọc hoá dầu (Nghi Sơn tại Thanh Hoá), ngành ô tô, máy ảnh…

Có 3 lý do. Thứ nhất, đây là ngành công nghiệp phát triển rất mạnh ở Nhật Bản. Thứ hai, có một số ngành chưa tự động hoá cao nên họ dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với nhân công giá rẻ - cần cù – thông minh. Thứ ba và là yếu tố khá đặc biệt, văn hoá của hai nước có nhiều điểm tương đồng.

Ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển giao công nghệ từ các công ty Nhật Bản đến các công ty Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Việc chuyển giao công nghệ quả thật đang là một vấn đề nóng hiện nay. Đã từng nhiều năm làm việc - hợp tác với các công ty Nhật Bản và qua tìm hiểu của cá nhân, tôi thấy, vấn đề lớn mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm trong quá trình chuyển giao là trình độ của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên Việt Nam.

Hay nói cách khác, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực khiến quá trình tiếp nhận công nghệ từ Nhật không thuận lợi. Do đó, một trong những yêu cầu bức thiết là đội ngũ nhân sự của Việt Nam chúng ta cần phải nâng cao trình độ liên tục.

Nhưng nói gì thì nói, Nhật Bản vẫn là quốc gia tích cực nhất trong việc chuyển giao công nghệ. Thực tế đã cho thấy điều đó như ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cầu đường...

Tôi cho rằng, Nhật Bản thật sự muốn hỗ trợ Việt Nam qua việc chuyển giao công nghệ, do đó các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực bản thân để có cơ hội cũng như đủ khả năng tiếp nhận nó! Trong tương lai, Nhật bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực và tôi cho đây là điều hết sức quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững.

Vậy phải chăng, ý thức và trình độ quản lý – nhân công vẫn là nhân tố chủ chốt quyết định chuyện thành bại của việc chuyển giao công nghệ?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Chính xác! Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua quá trình áp dụng phương pháp quản lý sản xuất 5S - nền tảng cơ bản nhất của sản xuất, từ người Nhật vào các doanh nghiệp Việt. Phương pháp 5S được Việt hóa bằng 5 từ sau: sàng lọc, xắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng; có 5 tiêu chuẩn, từ chẳng làm gì cả đến cấp độ 5. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phương pháp 5S áp dụng có tỉ lệ ‘thất bại’ cao tại Việt Nam là do sự quyết tâm - kiên trì, tính kỷ luật của người lao động và đặc biệt là lãnh đạo Việt Nam chưa tốt.

Trong quá trình áp dụng, có tới 95% doanh nghiệp Việt làm chẳng ‘đến nơi, đến chốn’ hay “đánh trống bỏ dùi”, không kiên trì làm tới cùng, nên kết quả chỉ từ mức 3 trở xuống. Chưa tới 5% doanh nghiệp còn lại thành công, thực hiện tới level 4 và 5.

Ngược lại, có tới 95% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam áp dụng thành công 5S, trong khi nhà máy của họ cũng dùng nhân công và quản lý cấp trung Việt Nam, chỉ khác là sếp người Nhật.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phương pháp 5S áp dụng có tỉ lệ ‘thất bại’ cao tại Việt Nam là do sự quyết tâm - kiên trì, tính kỷ luật của người lao động và đặc biệt là lãnh đạo Việt Nam chưa tốt. Thế nên, thay vì ngồi than vãn, oán trách hiện thực, chúng tôi đang tìm cách để điều chỉnh phương pháp 5S giúp nó phù hợp hơn với người Việt Nam. Còn đối với người Nhật, 5S tuyệt đối tương thích với văn hoá của họ, áp dụng là thành công!

Là người trung gian kết nối doanh nghiệp Nhật và Việt, theo ông, liệu có khoảng cách nào giữa doanh nghiệp hai nước, có giải pháp nào để thu hẹp hay xóa bỏ khoảng cách đó?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Điểm hạn chế nhất của Việt Nam hiện nay là công nghiệp hỗ trợ, chúng ta chỉ ban hành chính sách nhưng lại chưa có những hành động rõ ràng, cụ thể và đột phá.

Người Nhật vốn rất cẩn trọng trong hợp tác làm ăn, nhưng khi họ đã chấp nhận thì việc hợp tác sẽ lâu dài. Văn hoá làm ăn là điểm cần phải làm rõ khi kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Cách tiếp cận của các doanh nghiệp Nhật với các đối tác Việt cũng khá đặc thù: như thời gian tìm hiểu khá lâu, đặt ra nhiều câu hỏi chi tiết, hỏi đi hỏi lại, đánh giá phong cách người lãnh đạo cao nhất, có nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như thời gian giao hàng và giá cả.

Thế nhưng, khi làm ăn với người Nhật, một số doanh nghiệp Việt tỏ ra thiếu kiên nhẫn, bất nhất trong lời nói và hành động, thực tế không đúng với những gì trình bày trong báo cáo, nói được nhưng không làm được và cái gì cũng “yes”…

Còn một vấn đề nữa là rào cản ngôn ngữ. Trong thực tế, lúc muốn “kết nối làm ăn” với người Nhật, chúng tôi thường thực hiện một số công việc sau: có phiên dịch phù hợp cho những buổi nói chuyện đàm phán; nên có phiên dịch tiếng Nhật đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; luôn chuẩn bị tài liệu kỹ cho cả hai bên; các bên có thể đặt ra câu hỏi để hiểu rõ vấn đề; khi gặp nhau chỉ để giải quyết những vấn đề cần bàn sâu hoặc ký kết.

Doanh nghiệp Việt nên tìm hiểu tường tận “văn hoá làm ăn” của Nhật Bản nói chung và của đối tác nói riêng để 2 bên ứng xử cho phù hợp.

Nói tóm lại, tùy theo tính chất của việc hợp tác, là thương mại, đặt hàng gia công, liên doanh hay liên kết đối với doanh nghiệp Nhật Bản mà chúng ta cần phải có những cách ứng xử phù hợp.

Về phía Nhà nước, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, có chính sách hợp lý và bình đẳng, nâng cao việc đào tạo nghề và chất lượng giáo dục và cũng nên hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản.

Xin cảm ơn ông!

IMT là đối tác chính thức trên 13 năm của AOTS (Association for Overseas Technical Cooperation and Sustainable Partnerships) – một đơn vị cung cấp các học bổng tu nghiệp kỹ thuật và quản lý với sự tài trợ từ dòng vốn ODA của Nhật Bản, nhằm đưa các nhà quản lý và kỹ sư Việt Nam sang tu nghiệp theo các học bổng được tài trợ 70% chi phí, đồng thời cung cấp các chuyên gia từ Nhật Bản đến hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Qua chương trình này, IMT đã tuyển cử gần 500 tu nghiệp sinh quản lý cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Nhựa Bình Minh, Vissan, GreenFeed, Cầu Tre, Bibica, Duy Tân, Thái Bình Shoes, Space Group, Đồng Tâm, Thiên Nam, Sametel…