Kiến trúc xanh và bền vững từ bài học của Singapore

Quỳnh Chi - 11:29, 13/07/2022

TheLEADERCùng với những tác động tiêu cực mà thiên nhiên đang hứng chịu từ các công trình xây dựng thì sự thay đổi trong thói quen và hành vi của con người do tác động của đại dịch cũng đã thúc đẩy sự chuyển dịch của ngành kiến trúc và xây dựng sang hướng xanh và bền vững hơn.

Kiến trúc xanh và bền vững từ bài học của Singapore
Sân bay Changi (Singapore)

Xanh và bền vững là tất yếu

Đại dịch Covid-19 xảy đến cùng với những bất ổn trên toàn cầu đã khiến người dân, doanh nghiệp và chính phủ các nước có ý thức hơn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà Juliana Binte Juwahir, kiến trúc sư trưởng của Liên minh phát triển bất động sản AsiaInvest (APDC) cho biết, việc phát triển xanh và bền vững không còn là lựa chọn mà là tất yếu sau tất cả những cuộc khủng hoảng mà con người phải hứng chịu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 cũng như bối cảnh đầy bất ổn hiện nay.

Bà cho rằng, cần thay đổi tư duy và cách làm, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng đô thị vì lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn về phát thải khí CO2 – thủ phạm chính khiến trái đất nóng lên.

Ông Tim Middleton, thành viên Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cho biết, tốc độ đô thị hoá toàn cầu đã tăng từ 19,6% năm 2009 lên 39,3% năm 2020 và dự kiến đạt 50% năm 2030. Nhu cầu đối với các công trình xây dựng là rất lớn.

Trong khi đó, ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nhất, tạo ra hơn 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Việc vận hành các toà nhà hiện nay cũng góp tới 28% lượng khí thải.

Không chỉ vậy, nhu cầu phát triển các dự án xanh, bền vững tăng lên nhanh chóng sau những thay đổi trong thói quen và hành vi con người kể từ đại dịch Covid-19.

“Chính những điều này đã khiến cho các nhà đầu tư, phát triển dự án cũng như những người làm trong ngành kiến trúc, xây dựng phải nghĩ đến những thứ bền vững hơn, tăng giá trị cho công trình bên cạnh tính thẩm mỹ, khả năng vận hành tốt của dự án và sự thoải mái của người sử dụng”, bà Juliana cho biết.

Cụ thể, sau nhiều tháng liền phải “nhốt” mình trong bốn bức tường vì giãn cách xã hội, con người khao khát được hoà nhập với thiên nhiên và kết nối cộng đồng. Hình thức làm việc từ xa được triển khai ngay trong đại dịch khiến gánh nặng nhân đôi khi mỗi người vừa đảm đương việc nhà, chăm sóc con cái, vừa phải làm tốt công việc của công ty. 

Thứ họ cần những lúc như vậy là một không gian hạnh phúc, thoải mái, vừa kết nối nhưng cũng đủ yên tĩnh. Yếu tố sức khoẻ tinh thần là thứ cần được chú trọng.

Bên cạnh đó là tính linh hoạt. Sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức làm việc kết hợp giữa từ xa và trực tiếp, vừa cắt giảm thời gian di chuyển, vừa tiết kiệm chi phí.

Thay vì tiếp tục các công việc hành chính, nhiều người đã thay đổi tư duy. Họ sẵn sàng chuyển đổi công việc. Chỉ cần khoác chiếc ba lô, cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, có thể thêm một chiếc laptop, con người sẵn sàng “lên đường”, làm việc mọi lúc, mọi nơi. Bà Juliana cho rằng, con người đã cởi mở hơn đối với sự thay đổi.

Hai yếu tố thúc đẩy kiến trúc bền vững sau đại dịch
Bà Juliana Binte Juwahir, kiến trúc sư trưởng của Liên minh phát triển bất động sản AsiaInvest (APDC)

Kiến trúc đô thị cũng phải cân nhắc các yếu tố này trong bối cảnh mới khi con người sống với phong cách linh hoạt và dễ thay đổi.

Theo đó, các không gian sống, làm việc, nghỉ ngơi… giờ đây cần thúc đẩy sự kết nối và giao thoa giữa con người và thiên nhiên, tạo các không gian mở, xanh, sử dụng các giải pháp và thiết bị công nghệ để tiết kiệm năng lượng, vừa thân thiện với môi trường lại vừa tốt cho sức khoẻ con người.

Bên cạnh đó, bà Juliana cho rằng, thay vì tốn nhiều năm trời để xây dựng các công trình, xu hướng “lego” với từ khoá “linh hoạt” cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Họ triển khai các công trình lắp ghép, vừa đảm bảo chất lượng, tiết kiệm thời gian xuống còn 1/3, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, vừa tiết kiệm chi phí về lâu dài.

“Mặc dù chi phí ban đầu của các công trình xanh có thể cao hơn các dự án thông thường 10-20%, nhưng về dài hạn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành và bảo trì mà lại có thể góp sức bảo vệ môi trường, tạo cuộc sống thoải mái, hạnh phúc cho con người hiện đại. 

Khi nói đến bền vững, hãy nghĩ đến những lợi ích dài hạn cho chính doanh nghiệp, môi trường và xã hội, tạo nên một mối quan hệ tất cả các bên cùng có lợi như cách mà Singapore đã và đang làm”, đại diện APDC nói.

Bài học từ Singapore

Là một quốc đảo có nguồn tài nguyên ít ỏi, Singapore có ý thức rất lớn trong việc phát triển một nền kinh tế bền vững để giảm tải áp lực về tài nguyên và môi trường trong nước. Đáng chú ý, Singapore nổi tiếng với những kiến trúc đô thị xanh nhờ nỗ lực thúc đẩy xây dựng xanh từ rất sớm của Chính phủ cùng ý thức của doanh nghiệp và người dân toàn quốc.

Du khách đến Singapore sẽ ngỡ ngàng với kiến trúc thác nước trong nhà và vô số cây xanh được trồng phủ khắp không gian rộng lớn của sân bay Changi.

Nổi bật giữa một loạt tòa nhà chọc trời sừng sững xung quanh, khách sạn Oasia Hotel Downtown 27 tầng được thiết kế mặt tiền dạng lưới màu đỏ hỗ trợ các loại dây leo xanh và thực vật có hoa phát triển bao phủ khách sạn. Một số vườn cây và sân vườn cũng được xây dựng trong toàn bộ tòa nhà.

Hai yếu tố thúc đẩy kiến trúc bền vững sau đại dịch 1
Khách sạn Oasia Hotel Downtown (Singapore). Ảnh: interiordesign

Một dự án khác có thể kể đến là nhà ở xã hội Kampung Admiralty nơi được ví như ngôi làng trong lòng đô thị dành cho người cao tuổi. Bên ngoài mỗi tầng đều được phủ cây xanh. Dự án có các khoảng không gian mở, đặc biệt là thiết kế vườn cây ở các tầng trên cùng giúp nhân đôi không gian cho các hoạt động thể chất ngoài trời.

Từ năm 2005, Chính phủ Singapore đã sớm đưa ra kế hoạch tiêu chí “công trình xanh” nhằm tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của các nhà khai thác, nhà thiết kế và doanh nghiệp xây dựng. Chính phủ nước này làm hình mẫu khi bắt buộc các công trình có đầu tư của Chính phủ phải thông qua chứng nhận tiêu chí xanh.

Từ năm 2006, Chính phủ Singapore đã bắt đầu cho áp dụng sơ đồ tổng thể công trình xanh của Cục Xây dựng Singapore với các khoản cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD. Từ 2014, nước này đã đặt mục tiêu có 80% công trình xanh vào năm 2030.

Đầu năm ngoái, Chính phủ Singapore công bố Kế hoạch xanh (Singapore Green Plan) đến năm 2030 - một phong trào toàn quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững. Các mục tiêu của kế hoạch này tập trung vào 5 trụ cột chính: thành phố tự nhiên, sống bền vững, năng lượng xanh, kinh tế xanh và tương lai xanh.

Trong đó, Singapore đặt ra mục tiêu 80-80-80 vào năm 2030 cho các công trình xây dựng. Cụ thể, 80% tòa nhà của Singapore đạt tiêu chuẩn công trình xanh (tính theo tổng diện tích sàn); 80% tòa nhà mới (tính theo tổng diện tích sàn) là tòa nhà SLE (sử dụng năng lượng siêu thấp); các công trình xanh tốt nhất trong phân loại có hiệu suất năng lượng cải thiện 80%.