Kim loại ‘bẩn’ cho ô tô ‘sạch’?

Phạm Sơn - 09:14, 24/10/2022

TheLEADERTrong bối cảnh khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu, nhu cầu khai thác các loại kim loại như niken đang tăng cao. Tuy nhiên, khai thác thiếu bền vững kim loại này có thể gây ra nhiều hệ lụy với môi trường.

Kim loại ‘bẩn’ cho ô tô ‘sạch’?
Khai thác niken tại Indonesia. Ảnh: Reuters

21 triệu tấn là trữ lượng niken của Indonesia, tức là gấp khoảng 8 lần sản lượng khai thác niken mỗi năm trên toàn thế giới, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ.

Trữ lượng niken của Indonesia cũng đang được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, đặc biệt khi cơn khủng hoảng chất bán dẫn vẫn chưa đi đến hồi kết. Vào tháng 3 vừa qua, giá niken tăng vọt đến hơn 3 lần, đạt mốc 100 nghìn USD/tấn khiến sàn giao dịch kim loại London phải tạm ngừng giao dịch lần đầu trong lịch sử, càng chứng tỏ cơn khát niken trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine diễn biến căng thẳng.

Năm 2021, LG Energy Solution đã chính thức khởi động nhà máy pin trị giá 1,1 tỷ USD tại Indonesia. Một số tập đoàn Trung Quốc như Zhejiang Huayou Cobalt, Tsingshan Holding Group… cũng triển khai hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến niken tại quốc gia này.

Trữ lượng niken khổng lồ dường như là một trong những động lực để Indonesia thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, cấu phần quan trọng để đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2060 của Indonesia. Mặt khác, khai thác và chế biến sâu niken cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu để phát triển kinh tế của tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Trong chiến lược mới, Indonesia tập trung thu hút đầu tư để khai thác và chế biển các khoáng sản thô, bao gồm niken, thành thành phẩm có giá trị cao ngay trong nước. Nước này cũng đã cấm xuất khẩu quặng niken thô và đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ tự sản xuất được pin lithium.

Nói về xu thế xe điện cũng như việc khai thác niken phục vụ sản xuất xe điện, ông Widodo từng nhận định đây là “cơ hội vàng để phát triển kinh tế xanh”. Tại lễ khởi công nhà máy sản xuất pin của LG, vị tổng thống này cũng khẳng định, Indonesia sẽ trở thành nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm từ niken, bao gồm cả pin xe điện.

Mục tiêu tận dụng lợi thế về niken để ghi dấu lên bản đồ xe điện toàn cầu của Indonesia nhận được sự quan tâm của nhiều ông lớn. Tỷ phú Elon Musk, vào tháng 5 vừa qua đã có một cuộc gặp với tổng thống Joko Widodo để thảo luận về những dự án đầu tư tiềm năng.

Ông chủ của Tesla cho biết, niken đặc biệt quan trọng cho việc phát triển pin lưu trữ có dung lượng lớn cho xe điện, đồng thời cũng đánh giá cao trữ lượng niken của Indonesia. Tuy nhiên, chưa có khoản đầu tư nào của Tesla vào quốc gia này. Không chỉ Tesla mà những ông lớn xe hơi của Mỹ cũng chưa dự định một kế hoạch đầu tư nào vào khai thác niken tại Indonesia.

Lý do được bà Meidy Katrin Lengkey, Tổng thư ký Hiệp hội Mỏ niken Indonesia, chỉ ra là các doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại về những tiêu chuẩn môi trường, cũng như các tác động của việc khai thác mỏ niken tới cộng đồng địa phương.

Nikkei Asia Review ghi lại hình ảnh cuộc sống của người dân tại huyện Bahodopi, một khu vực hẻo lánh thuộc Indonesia, nơi tập đoàn Tsingshan Holding Group cùng các đối tác xây dựng khu phức hợp khai thác và chế biến niken. Tại đây, bụi than bốc lên, bị thổi bay vào nhà dân, làm mọi vật dụng đều phủ một lớp bồ hóng đen mịn. Sức khỏe của nhiều người dân bản địa cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là các vấn đề về đường hô hấp, kể từ khi hoạt động khai thác niken bắt đầu.

Vùng biển nơi từng có trữ lượng hải sản phong phú, bao gồm cá thu, cá ngừ, tôm hùm và mực, giờ đây dường như “bị đun sôi” bởi hoạt động của khu phức hợp. Thay vì đánh bắt gần bờ, ngư nhân vùng Bahodopi phải đi thuyền ít nhất 3 tiếng đồng hồ để khai thác lượng cá chỉ khoảng 2 – 3kg sau mỗi ngày dài. Các lồng lưới nuôi tôm hùm dưới sàn nhà nổi, vốn đem lại sinh kế ổn định cho ngư dân, nay cũng không còn.

“Khói bụi bao trùm Bahodopi, trớ trêu thay, lại đang cung cấp năng lượng sạch cho tương lai”, cây bút Erwida Maulia của Nikkei Asia Review viết. Các nhà máy trong khu phức hợp tại nơi này đang sản xuất niken cho các tập đoàn pin của Trung Quốc, sau đó cung ứng cho những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, bao gồm Tesla, BMW và Volkswagen.

Đáng chú ý, khu phức hợp nói trên chỉ là một trong số rất nhiều dự án khai thác và chế biến niken để phục vụ sản xuất pin xe điện dọc đất nước Indonesia. Tổng vốn đầu tư của các dự án này, theo số liệu từ Bộ Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia, lên đến ít nhất 29 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, Indonesia đang nỗ lực chạy đua trên con đường công nghiệp xanh. Điều này đương nhiên là tốt và phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các quy định về môi trường của Indonesia vẫn còn lỏng lẻo, thậm chí còn được coi là một “điểm mạnh” để thu hút đầu tư.

Rủi ro về môi trường, qua minh chứng trên, rõ ràng không chỉ phá hủy môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, phá đi sinh kế của người dân.

Mặt khác, việc khai thác niken cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng nạn phá rừng. Theo Bloomberg, trong vòng 2 thập kỷ qua, hơn một nửa số vụ phá rừng nhiệt đới để phát triển công nghiệp trên toàn thế giới diễn ra tại Indonesia. GS. Anthony Bebbington, chuyên gia địa lý tại Đại học Clark, cảnh báo, một “phong trào” phá rừng mới có thể tiếp tục xảy ra tại Indonesia nếu quốc gia này khai thác niken bất chấp tác động về môi trường.

Điều này đi ngược với một cam kết quan trọng mà Indonesia tuyên bố tại COP26, đó là cam kết đưa ngành lâm nghiệp đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2030, tức là biến rừng trở thành những “bể chứa carbon” khổng lồ. Indonesia cũng cam kết chấm dứt nạn phá rừng tại COP26.

Thực tế, từ nhiều năm nay, chuỗi cung ứng pin vốn dĩ đã rất “bẩn”. Khoảng 60 – 70% kim loại coban được khai thác tại Congo, quốc gia nghèo đói bậc nhất thế giới. Tình trạng lạm dụng, thậm chí là bóc lột lao động trẻ em hay việc xả bùn thải trực tiếp ra môi trường đã trở thành cảnh tượng quen thuộc tại các mỏ coban ở Congo. Dù đã bị phanh phui, lên án nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Chưa tính đến việc điện vẫn đang chủ yếu được sản xuất bằng than, có thể thấy, dù là dòng phương tiện giao thông “xanh” nhưng dường như chuỗi cung ứng xe điện vẫn còn rất “nâu”. Đây là nút thắt lớn cần được tháo gỡ trước khi xe điện bùng nổ như dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế.