Kinh tế tuần hoàn nhìn từ sản phẩm tái chế

Phạm Sơn - 09:39, 15/12/2022

TheLEADERKinh tế tuần hoàn chỉ có thể phát triển khi người tiêu dùng chấp nhận sử dụng sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn.

Sản phẩm tái chế suốt nhiều năm nay gánh trên mình nhiều định kiến, xuất phát từ chính chất lượng của sản phẩm.

Sản phẩm tái chế có chất lượng kém bởi 2 nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là chất lượng của phế liệu đầu vào. Do chưa thực hiện được phân loại rác thải tại nguồn, những loại rác có giá trị tái chế thường bị lẫn nhiều tạp chất khó có thể làm sạch được.

Bên cạnh đó, tái chế chủ yếu diễn ra ở các đơn vị nhỏ lẻ, tại các làng nghề tái chế. Với bức tranh chất thải rắn phức tạp, chuỗi cung ứng thu gom, tái chế cũng trở nên cồng kềnh. Các đơn vị tái chế lại không được hỗ trợ gì trong suốt nhiều năm qua nên không có đủ tiềm lực đầu tư, đổi mới công nghệ.

Thực tế, ngành công nghiệp tái chế suốt hơn 40 năm qua chủ yếu chỉ là “giáng chế”. Sản phẩm giáng chế không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kém bền, thậm chí là chứa các thành phần độc hại. Ứng dụng chủ yếu của sản phẩm “giáng chế” chính là những hộp xốp, túi nylon, đồ nhựa dùng một lần loại kém chất lượng nhưng vẫn trôi nổi ngoài thị trường.

Tuy nhiên, một ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn là điều kiện cần thiết để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Thấu hiểu điều đó, nhiều doanh nghiệp đang chung tay xóa đi định kiến và khẳng định vai trò của sản phẩm, bao bì tái chế.

Tháng 9 vừa qua, Coca Cola Việt Nam chính thức giới thiệu chai làm từ 100% nhựa PET tái chế (rPET) tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Suntory Pepsico, “đối thủ truyền kỳ” của Coca Cola cũng đã cho ra mắt chai nhựa 100% rPET.

Coca Cola và Pepsico Suntory đều là 2 trong số 9 thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), tổ chức hoạt động với mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì. PRO Việt Nam cam kết sẽ tái chế 100% bao bì của các thành viên vào năm 2030.

Bên cạnh Coca Cola và Pepsico Suntory, một số thành viên khác của PRO Việt Nam cũng đã và đang triển khai sử dụng bao bì tái chế, có thể kể đến như La Vie với dòng sản phẩm nước khoáng đóng chai 50% nhựa rPET; Mondelez Kinh Đô với sản phẩm bánh trung thu đựng trong khay nhựa tái sinh…

Thực tế, đối với các thương hiệu nói trên, việc sử dụng bao bì tái chế đã không còn xa lạ trên thế giới, đặc biệt là tại những thị trường tiên tiến, nơi người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận, thậm chí là trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm có tính bền vững.

Sự tiên phong của những thương hiệu lớn giúp người tiêu dùng phần nào xóa đi những định kiến về sản phẩm và bao bì tái chế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tái chế cũng cần phải tự “nâng cấp” mới có thể rũ bỏ hoàn toàn định kiến.

Tái chế Duy Tân, một thành viên của PRO Việt Nam, vào năm 2019 đã đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng nhà máy nhựa tái chế với công nghệ bottles to bottles từ châu Âu. Sản phẩm nhựa tái chế của Duy Tân có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn như FDA của Mỹ, EFDA của châu Âu…, được một số doanh nghiệp lớn lựa chọn sử dụng cho bao bì. Ngoài ra, khoảng 3 nghìn tấn hạt nhựa tái sinh cũng được Tái chế Duy Tân xuất khẩu sang Mỹ.

Công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đặt ra yêu cầu một số doanh nghiệp bắt buộc phải thu gom, tái chế bao bì và sản phẩm theo đúng quy cách và đạt chuẩn chất lượng. Dự kiến, đến năm 2024, khi EPR chính thức được áp dụng cho nhóm sản phẩm có tiềm năng tái chế (mở đầu là nhóm ngành bao bì), ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn sẽ “nở rộ” nhờ có thêm nguồn lực hỗ trợ.

Tuy nhiên, để thực sự phát triển được ngành công nghiệp này, Tái chế Duy Tân đề xuất cần phải ban hành thêm những tiêu chuẩn chất lượng dành riêng cho sản phẩm tái chế.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, cũng đưa ra đề xuất đưa ngành tái chế thành ngành công nghiệp ưu tiên. Đi kèm với đó, các chính sách hỗ trợ ngành tái chế cần phải được thiết kế từ đầu chuỗi cung ứng là quy định thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng dễ tái chế, cho tới phân loại rác tại nguồn, quy định sử dụng tỷ lệ vật liệu tái sinh bắt buộc…