Làm sao để quản lý 'mỏ vàng' bán hàng xuyên biên giới?

Việt Hưng - 06:53, 06/06/2020

TheLEADERDo tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử nên đòi hỏi các cơ chế chính sách quản lý phải thay đổi phù hợp với hoạt động của thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử đối với bán hàng xuyên biên giới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong 5 năm trở lại đây, xu hướng mua hàng xuyên biên giới tại các nước Đông Nam Á ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo Zion Market Research thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đạt gần 5 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng vào khoảng 27,4% từ năm 2019 đến năm 2027.

Riêng ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới từ năm 2013 - 2018 tính riêng 6 nước trong khu vực gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam đã được dự báo sẽ tăng trưởng tới 37,6%, từ con số 7 tỷ lên 34,5 tỷ USD.

Những nghiên cứu trên phần nào cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của khối ASEAN. Riêng tại thị trường Việt Nam, tốc độ tăng trưởng được đánh giá thuộc hàng top trên thế giới với tỷ lệ 35% - gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Trong đó có đến 33% người mua hàng trực tuyến đã từng mua hàng tại nước ngoài.

Do đó, hiện tại đây được xem là ngành kinh doanh hấp dẫn, thu hút không chỉ người bán là các cá nhân, mà còn có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng tham gia.

Nối bật là xu hướng kinh doanh online xuyên biên giới ở Việt Nam đã bùng nổ trong 3 năm trở lại đây. Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng MMO (Make Money Online) và đặc biệt là cộng đồng bán hàng Dropshipping, cộng đồng bán hàng Amazon (FBA, FBM, SFM & Merch by Amazon), cộng đồng áo thun Print-on-demand (POD) đã mở đầu cho xu hướng phát triển kinh doanh không biên giới này.

Ban đầu, đích đến của hoạt động bán hàng xuyên biên giới được hướng đến là Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, khi những thị trường này đang dần chững lại vì sự cạnh tranh quá lớn, chi phí quảng cáo tăng cao, thì Đông Nam Á đang dần được người kinh doanh online tại Việt Nam để mắt tới.

Dù chưa được khai phá hết tiềm năng, nhưng quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đạt tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% - nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á. Còn theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành, mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trung bình, số lượng đơn hàng được xử lý mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu. Dự báo, năm 2025, doanh thu TMĐT Việt Nam sẽ đạt 15 tỉ USD, theo Google và Temasek.

Làm sao để quản lý 'mỏ vàng' bán hàng xuyên biên giới?
Làm sao để quản lý 'mỏ vàng' bán hàng xuyên biên giới?

Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử nên đòi hỏi các cơ chế chính sách quản lý phải thay đổi phù hợp với hoạt động của thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính nhận thấy việc cần thiết xây dựng Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử xuất phát từ 3 yêu cầu cơ bản.

Một là, yêu cầu từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự phát triển này. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Do đó, cần thiết phải có những biện pháp quản lý mới phù hợp với hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới. Các biện pháp quản lý của nhà nước phải đảm bảo việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động TMĐT qua biên giới.

Hai là, yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới đất liền. Do thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường, vì vậy, trong một số trường hợp hàng hóa giao dịch qua TMĐT không có đủ hồ sơ chứng từ chứng minh trị giá giao dịch với cơ quan hải quan, nên số hàng hóa này không được cơ quan hải quan tính thuế theo trị giá giao dịch thực mà tính toán theo các phương pháp tính trị giá khác nên trị giá tính thuế thường cao hơn so với trị giá thực của hàng hóa.

Ngoài ra, một số mặt hàng phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành, trong khi đó nếu cá nhân mua hàng với số lượng nhỏ thì không thể có đủ hồ sơ chứng từ để xuất trình cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện thủ tục hải quan.

Vì vậy, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử khi nhập khẩu vào Việt Nam tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại, gian lận thuế, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa,…

Ba là, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan theo các quy định hiện hành. Theo quy định hiện hành thì đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch theo phương thức truyền thống thủ tục hải quan được thực hiện giống nhau.

Tuy nhiên, đặc điểm của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT là hàng hóa nhỏ lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, thời gian giao dịch để mua bán hàng hóa đơn giản, nhanh chóng nên số lượng các lô hàng trị giá nhỏ tăng nhanh. Hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT khi thực hiện thủ tục hải quan gặp nhiều vướng mắc.

Vì vậy, Bộ Tài chính nhận thấy cần thiết phải xây dựng Nghị định bao gồm các nội dung nhằm đảm bảo việc tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Việc xây dựng Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan chủ động, thuận lợi.