Làn gió mới tại thị trường chuỗi khách sạn bình dân Việt Nam

Việt Hưng - 15:17, 12/07/2019

TheLEADERNhững chuỗi khách sạn giá rẻ đang ngày một mở rộng tại Việt Nam khi lượng du khách nghỉ dưỡng và làm việc đang có có nhu cầu cao đối với những nơi nghỉ tiết kiệm hơn khi đến Việt Nam.

Chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra nhanh chóng, tác động lên mọi mặt của nền kinh tế và làm thay đổi một cách mạnh mẽ các mô hình kinh doanh.

Đó cũng là lý do xuất hiện rạp phim lớn nhất thế giới không có rạp nào (Netflix), công ty cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới nhưng lại không sở hữu khách sạn nào (Airbnb) hay nhà cung cấp nội dung lớn nhất thế giới không sản xuất nội dung nào (Facebook).

Tại Việt Nam, sự xuất hiện của các mô hình lưu trú như Airbnb, Booking hay Agoda đã mang lại lợi ích lớn cho cả người dùng và các nhà cung cấp dịch vụ. Những công ty công nghệ này đang làm thay đổi bộ mặt của ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú trong nước.

Airbnb là sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ, giúp tất cả mọi người có thể tận dụng được không gian trống trong chính nhà mình để cho thuê nhằm kiếm thêm thu nhập.

Với Booking hay Agoda, đó lại là các mô hình giúp gắn kết người dùng và khách sạn. Nhờ thế, người dùng tìm được khách sạn mà mình mong muốn trong khi khách sạn sẽ có thêm một nguồn cung cấp khách đầu vào. 

Gần đây, Việt Nam vừa chứng kiến sự xuất hiện của OYO - mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú mới, khác hẳn với các sản phẩm được ra đời trước đó. Startup "kỳ lân" của Ấn Độ cung cấp một ứng dụng giúp người dùng có thể đặt phòng trên điện thoại di động.

Startup này từng gọi được một tỷ USD từ SoftBank, Lightspeed, Sequoia và Greenoaks Capital vào tháng 9 năm ngoái và được định giá tới 5 tỷ USD. Theo công bố, OYO là chuỗi khách sạn lớn thứ 5 thế giới, lớn nhất tại khu vực Nam Á, lớn thứ hai tại Trung Quốc và phát triển nhanh nhất trong mảng nhượng quyền, cho thuê khách sạn...

Làn gió mới tại thị trường chuỗi khách sạn bình dân Việt Nam
Kỳ lân Ấn Độ - OYO đã xuất hiện tại thị trường chuỗi khách sạn bình dân Việt Nam

Được thành lập vào năm 2013, OYO hoạt động với hình thức nhượng quyền, hợp tác cùng các chủ khách sạn thấp cấp hoặc trung cấp, ngân sách eo hẹp và thu tiền hoa hồng dựa trên mỗi lần đặt phòng khách sạn. 

Các khách sạn hợp tác sẽ được đào tạo về các tiêu chuẩn dịch vụ, sử dụng phần mềm, ứng dụng quản lý của OYO. Nếu như Airbnb, Booking hay Agoda chỉ đơn thuần là nền tảng kết nối, OYO tham gia trực tiếp vào việc đầu tư cơ sở vật chất cho các khách sạn trong hệ thống của mình.

Tại Việt Nam, startup này nhắm đến các khách sạn quy mô dưới 100 phòng và thiết lập mức giá trung bình vào khoảng 400.000 đồng mỗi phòng mỗi đêm.

Dù mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, hệ thống OYO đã có khoảng 90 khách sạn nhượng quyền đầu tiên tại 6 tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang. OYO lên kế hoạch sẽ đầu tư hơn 50 triệu USD vào Việt Nam trong những năm tới, tạo ra khoảng 1.500 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Ra đời sau và đi theo mô hình của OYO, chuỗi khách sạn giá rẻ RedDoorz đến từ Singapore đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 7/2018, sớm hơn OYO một bước.

Thành lập tại Singapore năm 2015, RedDoorz cũng như một số đối thủ trong khu vực Đông Nam Á bắt chước mô hình của OYO, quản lí một số lượng phòng nhất định của các khách sạn giá rẻ rồi nâng cấp các tiêu chuẩn về dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện tại, RedDoorz có mặt ở Phillipines, Indonesia, Singapore, Việt Nam.

Tính đến tháng 3/2018, RedDoorz đã có hơn 40 khách sạn khắp nội thành của TP. HCM, 40.000 khách hàng sử dụng dịch vụ, tỉ lệ lấp đầy khoảng 70%. Trong năm 2019, thương hiệu này đặt mục tiêu mở rộng ra thêm 3 thành phố Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội, nâng tổng số khách sạn RedDoorz lên con số 200.