Lộ trình phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu Việt đến năm 2030

Nhật Hạ - 09:00, 22/04/2022

TheLEADERChính phủ định hướng trong 8 năm tới sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lộ trình phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu Việt đến năm 2030
Tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 – 2030.

Một trong những động lực giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ xác định là hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vừa được ban hành, Chính phủ đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.

Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 – 2030.

Tuy nhiên, dường như mục tiêu trên là khá khiêm tốn khi trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu bình quân đã tăng trưởng trên 13% và kim ngạch nhập khẩu bình quân tăng trưởng hơn 12%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo chiến lược mới, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu tăng lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.

Hàng hóa xuất khẩu được định hướng phát triển bền vững, được thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đó, đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, Chính phủ mong muốn thúc đẩy tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.

Với nhóm hàng công nhiệp chế biến, chế tạo, giá trị trong nước được gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao; nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

Đồng thời, Chính phủ không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ sẽ chú trọng nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.

Giai đoạn 2026 – 2030 thúc đẩy phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Mặt khác, để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, Chính phủ định hướng tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu.