Lợi ích và rủi ro khi ngân hàng tham gia vực dậy OceanBank, CB và GPBank

Trần Anh - 14:56, 11/03/2022

TheLEADERSau khi Luật các tổ chức tín dụng được sửa đổi, một cơ chế mới kèm theo các giải pháp hỗ trợ được đề xuất, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đủ năng lực có thể tham gia vực dậy các ngân hàng 0 đồng.

Cuối năm 2017, khi Luật các tổ chức tín dụng được sửa đổi, nhiều kỳ vọng được mở ra cho quá trình tái cơ cấu các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Tuy nhiên hơn 4 năm trôi qua, cả 3 ngân hàng 0 đồng vẫn tiếp tục hoạt động cầm chừng và lỗ lũy kế ngày càng tăng.

Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến tháng 9/2020 vẫn chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc mặc dù tình hình tài chính của các ngân hàng này ngày càng khó khăn.

Trong đó, năm 2018 lỗ lũy kế của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là 15.412 tỷ đồng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) là 29.755 tỷ đồng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là 13.380 tỷ đồng. Năm 2019 lỗ lũy kế của các ngân hàng này tăng lên lần lượt là 17.971 tỷ đồng, 31.681 tỷ đồng và 16.280 tỷ đồng.

Gần đây, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2022, các ngân hàng 0 đồng sẽ được đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu. Tín hiệu tích cực có thể đến sau khi cơ quan quản lý ngành ngân hàng hoàn tất đề án xử lý các tổ chức tín dụng được Nhà nước mua lại. Một cơ chế mới kèm theo các giải pháp hỗ trợ được đề xuất, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đủ năng lực có thể tham gia vực dậy các ngân hàng 0 đồng. Thời gian qua, đây được xem là nhiệm vụ bắt buộc của một số ngân hàng lớn như trong những năm qua và thực tế là kết quả không khả quan.

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép ngân hàng hỗ trợ được nhận nhiều quyền lợi như cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến 0% …Đặc biệt khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng, ngân hàng hỗ trợ không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.

Ngoài các quyền lợi theo quy định, ngân hàng hỗ trợ có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Lợi ích từ việc tăng thêm room tín dụng có thể tạo thêm động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng. Thực tế điều này đã xảy ra với một số ngân hàng tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng trong quá khứ.

Với các quyền lợi và nghĩa vụ được quy định và các giải pháp bổ sung, việc một ngân hàng thương mại đủ năng lực được chọn tham gia hỗ trợ một ngân hàng 0 đồng sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng trong dài hạn. Đặc biệt, nếu vực dậy thành công, ngân hàng hỗ trợ có thể chuyển nhượng cổ phần ngân hàng 0 đồng cho nhà đầu tư nước ngoài, theo phương án được cơ quan chức năng phê duyệt.

Lợi ích và rủi ro khi ngân hàng tham gia vực dậy OceanBank, CB và GPBank
OceanBank là một trong 3 ngân hàng được Nhà nước mua lại bắt buộc

Báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán mới đây tính toán rằng, trong trường hợp của OceanBank, nếu được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 10.000 tỷ đồng và ngân hàng hỗ trợ cho vay với chi phí thấp 10.000 tỷ đồng thì thu nhập lãi thuần của ngân hàng này sẽ tăng thêm 1.600 tỷ đồng.

Đồng thời ngân hàng hỗ trợ tham gia quản trị điều hành có thể giúp OceanBank giảm 20% chi phí hoạt động. Từ đó, OceanBank có thể giảm lỗ hàng nằm và tiến tới có lãi đề bù đắp khoản âm vốn chủ sở hữu hơn 14.000 tỷ đồng hiện nay. Ước tính, sau 10 năm, OceanBank có thể hồi phục trở lại và đáp ứng được các quy định về an toàn tài chính.

Đối với ngân hàng hỗ trợ, tùy vào quy mô tín dụng hiện tại, việc được cấp thêm room từ 5% đến 10% sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của ngân hàng. Giả định, một ngân hàng có quy mô tín dụng khoảng 350 nghìn tỷ, được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng so với thông thường (thêm 35.000 tỷ). Sau khi cung cấp 10.0000 tỷ cho ngân hàng 0 đồng, số tiền còn lại có thể mang về lợi nhuận trước thuế khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm cho ngân hàng với điều kiện ngân hàng duy trì được tỷ lệ thu nhập lãi ròng (NIM) là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%.

Việc tham gia hỗ trợ một ngân hàng 0 đồng trên thực tế không giống với một thương vụ M&A truyền thống, nơi quyền quyết định hoàn toàn nằm trong tay bên mua sau giao dịch. Các điều kiện của một thương vụ chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng sang một ngân hàng thương mại nhận chuyển giao sẽ phức tạp hơn rất nhiều và phụ thuộc vào cơ quan quản lý.

Ngân hàng hỗ trợ trên thực tế sẽ đối mặt với rủi ro trước mắt là việc phân tán nguồn lực để sang điều hành một ngân hàng độc lập. Ngoài ra rủi ro về chu kỳ kinh tế tế kém thuận lợi cũng có thể khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt, ảnh hưởng đến quá trình vực dậy ngân hàng 0 đồng.