Luật An ninh mạng nên là câu chuyện gắn với cả chuỗi cung ứng

Tú Uyên - 12:33, 20/07/2018

TheLEADERGiám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định Luật An ninh mạng không chỉ là vấn đề về thông tin mà còn là vấn đề phức tạp liên quan đến chuỗi giá trị được vận hành trên dữ liệu người dùng.

Luật An ninh mạng nên là câu chuyện gắn với cả chuỗi cung ứng
Một số doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá sẽ bị ảnh hưởng từ yêu cầu đặt chi nhanh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ảnh: CNET

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng đã được thông qua với 86,86% đại biểu tán thành. Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực thi hành nhưng còn rất nhiều những ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kì 2018, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) Michael Kelly “ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng cường phát triển nền kinh tế số và môi trường Internet, trong khi vẫn đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người dùng Internet Việt Nam”.

Đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Các công ty thành viên của chúng tôi đặc biệt lo ngại về yêu cầu phải có văn phòng đại diện, các quy định liên quan đến dữ liệu người dùng và việc lưu trữ dữ liệu tại nước sở tại. Một loạt những cản trở gây tốn kém không cần thiết khác sẽ làm tổn thương doanh nghiệp mà không hề giúp cải thiện môi trường an ninh mạng tại Việt Nam”.

Chia sẻ cùng quan điểm, Báo cáo của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại VBF cũng nhấn mạnh, một số điều khoản trong Luật An ninh mạng, đặc biệt là điều khoản về nội địa hóa dữ liệu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hiện tại của nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam.

Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 26 của Luật An ninh mạng, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Nhóm công tác đánh giá rằng, các quy định bắt buộc về nội địa hóa dữ liệu hạn chế khả năng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công cụ cần thiết nhằm giảm chi phí công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và gia tăng quy mô nhanh chóng.

“Các chính sách nội địa hóa dữ liệu đã được chứng minh là làm giảm đầu tư từ nước ngoài vào do các doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí bổ sung để mua thiết bị máy chủ tại địa phương”, báo cáo chỉ rõ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Quan hệ Chính phủ từ ngân hàng Citibank trong tài liệu VBF cũng chia sẻ những lo ngại liên quan đến Luật An ninh mạng. “Hiện tại các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng dữ liệu và máy chủ của ngân hàng mẹ. Nếu yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu tại lãnh thổ Việt Nam thì chi phí thực hiện rất tốn kém và không đảm bảo về bảo mật thông tin”.

Theo bà, “khi các cơ quan quản lý/ điều tra yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu và phía ngân hàng cung cấp kịp thời, như vậy cũng đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra chứ không nhất thiết phải đặt cơ sở tại Việt Nam”. 

Giám đốc AmCham: 'Luật An ninh mạng nên là Luật An ninh mạng'
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham chia sẻ với TheLEADER. Ảnh: Kiều Mai

Trước những thông tin về Luật An ninh mạng, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham đã chia sẻ với TheLEADER những đánh giá của mình. Theo ông, luật này đang có 2 vấn đề chính.

Thứ nhất, lĩnh vực bao gồm trong luật đã xuất hiện trong luật khác, tạo ra sự thiếu đồng bộ và “nếu bạn là một công ty, bạn sẽ không biết chính xác điều gì phải làm”.

Thứ hai, Luật An ninh mạng nên là Luật An ninh mạng, nâng cao an ninh mạng của Việt Nam chứ không phải “sẽ ảnh hưởng đến những thứ khác, như những gì bạn có thể đọc trên Internet, có thể xem trên TV” hay vấn đề liên quan đến nơi đặt dữ liệu.

Vị Giám đốc điều hành AmCham nhận định đây không phải là vấn đề của Google hay Facebook, đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến chuỗi giá trị được vận hành trên dữ liệu người dùng.

“Dù bạn có đang tạo ra một chiếc ô tô Nhật Bản hay đôi giày Lebron James đi, tất cả đều đòi hỏi dữ liệu xuyên biên giới. Ý tưởng về việc quốc gia kiểm soát thông tin đã là ý tưởng của quá khứ”, ông Adam Sitkoff khẳng định.

Ông cho rằng: “Chúng ta cần phải lo lắng về những gì nó có thể ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh doanh, có thể làm những gì đối với cơ hội việc làm cho hàng triệu người trẻ Việt Nam, cho khả năng giao tiếp, giải trí, làm việc hay bất cứ điều gì tương tự cũng như phải nhìn xem sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với cả chuỗi cung ứng”.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có vấn đề với an ninh mạng. Ông Adam Sitkoff lấy ví dụ trong lĩnh vực thương mại điện tử: “Một số công ty ở xa bắt đầu bán sản phẩm tại nước bạn mà không có mặt tại đây, bạn không biết làm sao để đánh thuế hay đối phó với họ. Mọi người đều có những vấn đề tương tự khi tiến đến nền kinh tế toàn cầu với nhiều công nghệ mới”.

Ông nhấn mạnh rằng “Điều tốt nhất để làm hiện nay là nhìn xem các quốc gia làm luật như thế nào” và khẳng định sự hỗ trợ của doanh nghiệp Mỹ với Chính phủ Việt Nam trong pháttriển môi trường pháp lý thể chế cho nền kinh tế số.