Luật Phòng chống rửa tiền mới vẫn chưa luật hóa tiền ảo, tài sản ảo

Nhật Hạ - 18:10, 15/11/2022

TheLEADERQuốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo khi Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chưa luật hóa các hoạt động này.

Với 97% đại biểu tán thành, Quốc hội chiều nay đã thông qua Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và có hiệu lực từ 1/3/2023.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về sự phù hợp của dự thảo luật với Hiến pháp, các luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, đối chiếu các nội dung của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Luật Phòng chống rửa tiền mới vẫn chưa luật hóa tiền ảo, tài sản ảo
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hành vi rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số…, ông Thanh cho biết, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo luật này hoặc một số khuyến nghị khác sẽ được sửa đổi tại các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế với vấn đề này từ năm 2017. Hiện, các bộ, ngành nghiên cứu nên chưa đủ cơ sở để quy định ngay tại dự thảo Luật các biện pháp phòng chống rửa tiền với hoạt động này.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, các hoạt động mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp... tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như cho chính cá nhân tham gia.

Do đó, nghiên cứu các quy định về mua bán, trao đổi tài sản ảo, biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền và rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng.

Ngoài ra, ông Thanh nêu rõ, dự thảo luật đang giao Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo mà không quy định cụ thể trong luật là phù hợp với bối cảnh đất nước đang trong quá trình phát triển nhanh, có nhiều thay đổi và mang tính kế thừa quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, các chuẩn mực quốc tế, thông lệ quốc tế để ban hành mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống rửa tiền, vừa không tạo thêm gánh nặng cho các đối tượng báo cáo.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, để xác định được “cơ sở hợp lý” để nghi ngờ, đối tượng phải xem xét, thu thập và phân tích thông tin khách hàng trong từng tình huống cụ thể, do vậy, việc quy định ngay trong dự thảo luật về cách thức xác định “cơ sở hợp lý” để nghi ngờ sẽ hạn chế tính linh hoạt, hiệu quả trong việc đối tượng báo cáo phân tích, đánh giá thông tin. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo luật.

Trước đó, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam và thực tế nhiều người tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo để lại nhiều hệ luỵ nhưng các giao dịch này lại chưa được công nhận về pháp lý.