Lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại

Quỳnh Chi - 08:52, 09/08/2019

TheLEADERChuyển đổi kỹ thuật số không phải là điều dễ dàng và những giải pháp riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả.

Lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại
Nhiều doanh nghiệp đang bước vào quá trình chuyển đổi số. Ảnh: VNPT

Công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng cải thiện, thúc đẩy năng suất lao động. Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia biết cách tận dụng bứt phá. Quan điểm của Việt Nam là tận dụng cuộc cách mạng này để phát triển công nghiệp số, kinh tế số nhằm mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Tại hội nghị Vietnam CEO Summit 2019, ông Tâm cho biết, Chính phủ Việt Nam muốn tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, phát kiển mạnh kinh tế số, hiện đại, hiệu suất cao. Đây là cơ hội để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trở thành nước công nghiệp phát triển.

Ông Keith Davies, Giám đốc chiến lược ngành năng lượng, tài nguyên và công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á cũng nhận định, kỹ thuật số đang làm thay đổi cách vận hành của mọi doanh nghiệp.

Theo đó, hoạt động bán hàng và tiếp thị, phát triển mạng lưới khách hàng, nâng cao năng suất của nhân viên và nhiều chức năng kinh doanh khác đang được xác định lại.

Bằng việc chuyển đổi kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể giành lợi thế thông qua những sáng kiến, thiết kế, ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh mới một cách sáng tạo, linh hoạt và có chiến lược.

Theo một nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số do MIT Sloan Management Review và Deloitte thực hiện năm 2018, khoảng 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết cần cập nhật các kỹ năng của mình ít nhất một lần mỗi năm, 34% hài lòng với mức độ mà tổ chức của họ hỗ trợ phát triển các kỹ năng cần thiết hiện nay. 

Có 22% doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới kỹ thuật số đang dần trao quyền quyết định cho các cấp thấp quản lý hơn trong tổ chức và kết quả thành công ở các doanh nghiệp đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số cao gấp bốn lần so với các doanh nghiệp có độ hoàn thiện kỹ thuật số kém hơn.

Có thể thấy sự phát triển của một số mô hình như Uber, Crowdfunding hay Crowdsourcing đã tạo nên những đòn bẩy số để thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Sự phối hợp đổi mới và hợp tác cũng nhờ đó được thúc đẩy với kinh tế nền tảng và hiệu ứng nối mạng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số phải được tiến hành như thế nào, lộ trình ra sao để phù hợp với điều kiện tài chính, trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những bài toán cần giải.

Theo ông Keith Davies, các tổ chức phải có những điều chỉnh để thích nghi với chuyển đổi số bởi một trong những rào cản hiện nay là chưa có khả năng thử nghiệm và khả năng liên tục nâng cấp kỹ năng về thử nghiệm.

Đa số tổ chức, nhất là các tổ chức giỏi về số còn khá ngại đối mặt với rủi ro, sợ thất bại. Do đó, điều cần thay đổi là tư duy và cách nhìn để có thể chấp nhận rủi ro thử nghiệm thất bại nhưng quyết tâm đi nhanh, tiến xa.

Một tổ chức muốn thành công về số cần tư duy theo cấp số nhân, bên cạnh đó, yếu tố thực hiện cũng quan trọng. Chuyển đổi số không phải là điều dễ dàng và những giải pháp riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả.

Lãnh đạo Deloitte cho rằng, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, khách hàng cần được đặt ở vị trí trung tâm, cần bảo vệ con người. Hệ thống miễn nhiễm của các tổ chức mang tính truyền thống có thể làm bóp nghẹt những thay đổi của doanh nghiệp.

Một số tổ chức thành công trong thúc đẩy số đã thành lập các cách đội phụ trách dự án số thoát khỏi cơ chế quan liêu của các bộ phận khác để tăng trưởng nhanh hơn, có cơ chế riêng so với hệ thống chung của tổ chức.

Ông Keith Davies cho rằng, nhiều tổ chức tiến hành chuyển đổi số nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện suôn sẻ do chỉ tập trung các giải pháp kỹ thuật hoặc chỉ tập trung vào giải pháp con người.

Theo đó, muốn chuyển đổi số thành công phải kết hợp cả hai yếu tố công nghệ và con người. Nếu chỉ tập trung vào một trong hai thì có thể ghi nhận một số thành công ban đầu nhưng không đáng kể. Sự thành công này cũng sẽ chỉ mang tính cách ly, khó thay đổi toàn hệ thống.

Tuy nhiên, một lưu ý các doanh nghiệp cần nhớ là khi mọi kết nối đã có trên nền tảng trực tuyến, ở khắp mọi nơi, trải nghiệm công nghệ cũng khác hẳn thì rủi ro đi kèm là đe doạ an ninh mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, chiến lược phát triển ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số để phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế số và xã hội số.

Ngoài ra, để phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng thể chế, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin trong nước, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), chiến lược chuyển đổi số và phương cách thực hiện cần phải được tính đến từ bây giờ để đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo nên sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.

Ông Khương khuyến nghị, Chính phủ cần có những ưu tiên về cải cách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Theo đó, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi trên mọi khía cạnh, tăng cường hội nhập toàn cầu qua các hiệp định thương mại tự do với cộng đồng quốc tế, xây dựng nhiều chính sách thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhắm vào các ngành công nghiệp chủ lực.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải cách các chính sách thuế, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị bằng việc sắp xếp lại thể chế, củng cố bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.