Masan, VNPost đã chuyển đổi số như thế nào?

Việt Hưng - 08:00, 23/11/2019

TheLEADERVNPost là một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà Nước, gần tròn 100 tuổi. Còn Masan là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Việt Nam trong ngành hàng tiêu dùng. Cả 2 đều từng phải đối mặt với bài toán chuyển đổi số vô cùng khó khăn và tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số là dữ liệu được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ tại FPT Techday 2019. Theo ông Khoa, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số còn khá lớn, gấp 1,5 lần so với thế giới.

Trong đó, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình; chưa tìm được đối tác đồng hành. Ông cho rằng nếu không bắt đầu, doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ và dần biến mất vì chậm trễ trong chuyển đổi.

Với các lĩnh vực công nghiệp nặng, vị CEO FPT đánh giá "cuộc chơi" chưa thực sự gấp gáp nhưng với các ngành dịch vụ sử dụng nhiều công nghệ như tiêu dùng, tài chính, ngân hàng thì sự chậm trễ ngày hôm nay có thể để lại những hậu quả khó lường.

Ở lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, Masan được xem là đại diện sáng giá trong "cuộc chơi" chuyển đổi số. Ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Masan nhận định, sức mạnh lớn nhất của các công ty ngành hàng tiêu dùng là thương hiệu vì "có thương hiệu là sẽ có tiền, sẽ có lợi nhuận".

Masan đã trải qua 3 làn sóng chuyển đổi, bắt đầu từ năm 2013. Việc đầu tiên Masan phải đảm bảo là hàng hóa luôn xuất hiện ở mọi nơi, luôn sẵn có trên các kệ hàng, nhà máy luôn phải chạy và xe tải chở hàng phải sẵn sàng. "Masan đã phải mất 3 năm lên kế hoạch để chuyển đổi số việc này và 1,5 năm thực hiện để 2.600 siêu thị và 370.000 cửa hàng trên cả nước lúc nào cũng có hàng", ông Nguyên nói.

Đến năm 2015, chiến dịch chuyển thành "chất lượng". Mỗi năm Masan sản xuất 2 tỷ gói mỳ, nửa tỷ chai nước mắm, xì dầu phải có chất lượng tương đương nhau. Mọi khâu phải trơn tru, vận hành xuyên suốt. Cuối cùng vì là công ty hàng tiêu dùng nên Masan quay trở về với tôn chỉ quan trọng nhất vẫn là "giá cả phù hợp".

Masan kiểm soát mỗi đồng tiền phải tự "làm việc" để tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp. Mặc dù gặp nhiều ý kiến phản đối trong nội bộ nhưng Masan vẫn quyết định đưa hệ thống báo cáo thông minh vào để cá nhân hóa dữ liệu. "Đó là giai đoạn mà Masan có thể biết được khách hàng, cửa hàng ở đâu, hàng hóa chất lượng như thế nào và cắt giảm chi phí đến tận xương", ông Nguyên cho biết thêm.

Làn sóng thứ 2 đến từ sự sợ hãi, khi Alibaba, Amazon chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam. Ông Nguyên khẳng định, khi đó không chỉ Masan mà tất cả các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, nếu không cẩn thận chỉ trong 3 - 5 năm nữa, dù vẫn còn thương hiệu, vẫn sản xuất được nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn để tồn tại, nhất là về khả năng bán hàng khi bị mất kênh phân phối.

"Hoặc họ sẽ bòn tất cả lợi nhuận bạn có thể có mới cho phép bạn đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Bán gói mỳ có lời bao nhiêu đâu, nhưng bạn phải đóng 24% lợi nhuận biên ra siêu thị thì chắc chắn sẽ đổ máu", Phó Tổng Giám đốc Masan cảnh báo.

Masan, VNPost đã chuyển đổi số như thế nào?
Ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) - bên trái, và ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Masan - ở giữa

Do đó, Masan đã quyết định tiến tới làn sóng chuyển đổi số thứ 2, chính thức bước ra khỏi nhà kho, cửa hàng, tiếp cận 26 triệu hộ dân Việt Nam thông qua chuỗi kinh doanh mới và đây là một quyết định táo bạo mà Masan triển khai.

"Nếu như làn sóng thứ nhất, Masan mất 3 năm để xây dựng kế hoạch và 1,5 năm để triển khai thì làn sóng thứ 2, chúng tôi chỉ suy nghĩ mất 6 tuần và triển khai trong vòng 124 ngày. Nhờ công nghệ mà chúng tôi mới có thể triển khai nhanh như vậy, Hệ thống blockchain ở hạ tầng cũng chỉ mất 2 tuần là xong và chỉ tốn thêm 40 đồng/giao dịch, bảo đảm rằng giao dịch ấy được bảo vệ mãi mãi", ông Nguyên nói.

Ngoài ra, công nghệ Blockchain cũng đang được Masan ứng dụng trong công tác quản lý điểm thưởng cho khách hàng. Làn sóng thứ 3 của Masan là đi bắt tay với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ trước làn sóng tấn công từ bên ngoài về thương mại. "Việc này chúng tôi chưa triển khai mà chỉ dừng ở mức độ ý tưởng", ông Nguyên kết luận.

Cũng nói về vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, doanh nghiệp này thuộc sở hữu Nhà Nước, gần tròn 100 tuổi, cơ cấu lao động già, nhiều phụ nữ, mạng lưới hoạt động tại các huyện xã.

Những năm gần đây, nhận thấy những lĩnh vực cốt lõi như bưu chính, bán lẻ... bị cạnh tranh "tơi bời" trước làn sóng Fintech, ngân hàng điện tử, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số.

Vì thế, Tổng công ty đã quyết định buộc phải thay đổi, với phương châm nghĩ lớn dựa trên các framework, packages (gói giải pháp) của nước ngoài đưa vào vận hành công nghệ mới, dữ liệu IoT vào các hoạt động. Cách đây 7 năm, doanh nghiệp này vẫn lỗ, nhưng cho đến thời điểm năm 2018, VNPost đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD trước mục tiêu đề ra 2 năm và đã có lãi.

Bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương Mại Cơ khí Tân Thanh có cái nhìn về chuyển đổi số dựa trên chính những trải nghiệm của mình tại công ty gia đình. Khi trở về Việt Nam, bà Phương nhận thấy quy trình vận hành của Tân Thanh quá chậm chạp và thiếu chính xác.

"Báo cáo kinh doanh rất quan trọng nhưng lại tập hợp vào cuối tháng khi mọi vấn đề được quyết định xong rồi. Con số trên giấy tờ không có ý nghĩa và không thể thay đổi", bà Phương nói.

Kinh nghiệm học tập và làm việc ở một số doanh nghiệp nước ngoài khiến bà Phương hiểu rằng chuyển đổi số là cách sống còn. Sau đến 4 năm thuyết phục gia đình, nghiên cứu, năm 2017, Tân Thanh quyết định đầu tư chuyển đổi số. Công ty cũng đặt ra mục tiêu tăng doanh số theo nhiều chặng từ ngắn đến dài hạn để chuyển đổi số chính xác.

"Cũng giống như việc giảm cân theo từng ngày, từng tuần, thì câu chuyện thay đổi của Tân Thanh những ngày đầu cũng chia nhỏ như vậy. Tôi khuyên các doanh nghiệp chỉ nên chuyển đổi số nếu cần và đủ nguồn lực", bà Phương nói.