Mua sắm đa kênh lên ngôi tại Việt Nam

Việt Hưng - 08:38, 22/10/2022

TheLEADERTrong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng kết hợp mua sắm online lẫn offline sau đại dịch, các nhà sản xuất mặt hàng tiêu dùng đang tiếp nhận xu hướng mới, tiếp cận khách hàng ở nền tảng online nhiều hơn.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng. Người mua sắm trên các trang mạng xã hội không chỉ đọc thông tin và nhấp vào nút "mua ngay" trên quảng cáo, phần lớn họ đang sử dụng mạng xã hội trong mọi giai đoạn của hành trình mua hàng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu coi mạng xã hội là một kênh dịch vụ khách hàng quan trọng khi đại bộ phận đồng ý rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng xã hội đã gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc mảng Thương mại điện tử của NielsenIQ cho biết, mua sắm đa kênh đã trở thành xu hướng mới. Trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng hiện nay không chỉ có các cửa hàng truyền thống, mà còn bao gồm: mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hay các công cụ mua sắm online.

Theo NielsenIQ, 8/10 người tiêu dùng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục lựa chọn xu hướng mua sắm đa kênh. Ông Đức nhận định thị trường đang thay đổi và mua sắm đa kênh càng trở nên phổ biến với 57% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua sắm đa kênh.

Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng kết hợp mua sắm online lẫn offline sau đại dịch, các nhà sản xuất mặt hàng tiêu dùng đang tiếp nhận xu hướng mới, tiếp cận khách hàng ở nền tảng online nhiều hơn.

Mua sắm đa kênh lên ngôi tại Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Giám đốc tăng trưởng Sapo - Lê Dung chia sẻ, thị trường tiêu dùng trực tuyến Việt Nam đang ngày càng phát triển, với 52 triệu người tiêu dùng thường xuyên, 73% trong số đó sử dụng đa kênh để mua hàng, tạo ra động lực cho các nhà kinh doanh online để phát triển bán lẻ trực tuyến và bán hàng đa kênh.

Tuy nhiên, các nhà bán hàng gặp khá nhiều khó khăn như: nguồn nhân lực không đáp ứng được về kỹ năng, kiến thức sử dụng công nghệ; quy trình vận hành rời rạc; không đánh giá được hiệu quả kênh bán; thiếu dữ liệu để chăm sóc khách hàng sau bán.

Do đó, công nghệ là giải pháp hiệu quả xử lý các vấn đề trên. Đặc biệt là các nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh - chính là công cụ hiện đại - tiện lợi và dễ sử dụng dành cho các nhà bán hàng trong thời đại kinh tế số.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, sự dịch chuyển mua sắm lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước đó. Và doanh nghiệp đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này.

Chẳng hạn, hiện nay để thúc đẩy hình vi mua sắm, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng sức mạnh từ lực lượng KOL (người nổi tiếng trên nền tảng trực tuyến) và KOC (những người tiêu dùng có ảnh hưởng trên thị trường) để truyền đi thông tiếp thị.

Bởi trên thực tế thị trường tiêu dùng rất dễ dàng tạo xu hướng mới, cũng như kích cầu tiêu dùng khi nhiều KOL, KOC cùng nói về sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi trong phương thức thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua hàng qua hình thức trực tuyến và đưa sản phẩm của mình gần với người tiêu dùng hơn.

Đồng thời, cần có biện pháp bảo vệ sản phẩm, thương hiệu. Không để hàng giả, hàng nhái sản phẩm lưu thông và mua bán trên thị trường, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ chính doanh nghiệp.