Mỹ có khả năng trừng phạt mọi nhà nhập khẩu dầu Iran

Phương Anh - 12:00, 22/04/2019

TheLEADERKhả năng Mỹ không gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với các nhập khẩu dầu Iran đã khiến giá dầu tăng mạnh, đạt đỉnh kể từ tháng 11/2019.

Gần một năm sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Bộ Ngoại giao nước này được cho sẽ tuyên bố yêu cầu tất cả nhà nhập khẩu dừng mua dầu từ Iran hoặc sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Washington.

Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tuyên bố Washington không còn cấp miễn trừ trừng phạt cho bất kỳ nhà nhập khẩu dầu nào của Iran, theo Washington Post.

Đầu tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran, khôi phục toàn bộ biện pháp được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và bổ sung thêm 300 chỉ định mới liên quan đến dầu mỏ, vận tải, bảo hiểm cũng như ngân hàng.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn miễn trừ cho 8 nhà nhập khẩu của Iran, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản và Đài Loan, theo Reuters.

8 nhà nhập khẩu này có thời gian 180 ngày để tìm nguồn dầu thay thế.

Quyết định chấm dứt miễn trừ lần này có ý nghĩa lớn với thế giới trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài thời hạn miễn trừ.

3/8 nhà nhập khẩu được miễn trừ đã dừng mua dầu Iran, bao gồm Hy Lạp, Ý và Đài Loan. Các quốc gia còn lại sẽ phải dừng việc nhập khẩu hoặc sẽ phải chịu lệnh trừng phạt từ Washington.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Nếu không đáp ứng được yêu cầu từ phía chính quyền Trump, sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương sẽ nổi lên và thậm chí, ảnh hưởng lên cả những vấn đề khác như thương mại, Washington Post nhận định.

Hàn Quốc và Nhật Bản phụ thuộc tương đối ít vào dầu Iran và có thể thực hiện yêu cầu dễ dàng hơn.

Thổ Nhỹ Kỳ đã chờ đợi vào việc gia hạn miễn trừ nhưng quốc gia này sẽ phải đối diện với viễn cảnh không như mong đợi.

Báo cáo từ các nhà phân tích tư nhân cho biết lượng dầu xuất khẩu của Iran đã tăng lên hồi đầu năm nay, có khả năng do các nhà nhập khẩu gia tăng dự trữ trước thềm lệnh trừng phạt quay trở lại.

Theo số liệu từ Reuters, dầu thô Brent trong hợp đồng tương lai đã tăng lên mức cao kể từ tháng 11/2018, đạt 73,77 USD/ thùng, tăng 2,5% so với thời điểm đóng cửa.

Dầu thô của Mỹ cũng đạt đỉnh gần 5 tháng ở mức 65,39 USD, tăng 2,2%.

Sự gián đoạn tiềm tàng đối với nguồn cung từ Iran có khả năng làm nặng nề hơn thị trường vốn đã bị thắt chặt.

OPEC đã cắt giảm nguồn cung từ đầu năm nay nhằm thắt chặt thị trường, kéo giá dầu gia tăng. Các doanh nghiệp năng lượng tại Mỹ cũng cắt giảm giàn khoan hoạt động xuống mức 825.

Kết quả là giá dầu Brent tăng tới 1/3 và dầu thô Mỹ tăng hơn 40% trong năm nay.