Người lãnh đạo trong làn sóng Covid-19 thứ hai

Hoài An - 10:44, 08/08/2020

TheLEADERTrong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần gia tăng việc lắng nghe nhân viên sâu sắc, thúc đẩy văn hóa cảm thông và quan tâm.

Theo ước tính trong khảo sát mới nhất của Adecco Việt Nam, 31% doanh nghiệp được hỏi dự kiến sẽ phục hồi trong 1 – 3 tháng tới trong khi 29% doanh nghiệp khác mất nhiều thời gian hơn, từ 3 – 6 tháng. Còn 8% công ty cho biết sẽ không trở lại bình thường sớm cho đến năm sau.

Trong thời gian này, người quản lý được đề cao bởi tinh thần hợp tác, giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng với 58% người trả lời lựa chọn, tiếp đó là sự đồng cảm và hỗ trợ tốt (51%), và giữ cho nhân viên gắn bó với các giá trị và văn hóa của công ty (46%).

Ông Andree Mangels, Tổng giám đốc Adecco Việt Nam, cho biết trong khi hầu hết công ty đều tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Chính phủ để tăng cường vệ sinh, khử trùng nơi làm việc và cho phép làm việc linh hoạt, chỉ số ít công ty hỗ trợ nhân viên về mặt tinh thần.

Chỉ 24% công ty đã mở một cuộc khảo sát nội bộ để hiểu nhân viên đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào, 21% phát động các chương trình cải thiện sức khỏe tinh thần nhân viên và 12% có hoạt động công nhận đóng góp của nhân viên trong những thời điểm khó khăn này.

Với sự gia tăng số trường hợp mắc Covid-19 gần đây tại Việt Nam, một số thành phố quay trở lại giãn cách xã hội và làm việc từ xa. Đây được đánh giá là cơ hội để các nhà quản lý cân nhắc lại phương pháp lãnh đạo của mình.

“Chỉ số EQ cao hiện là tiêu chuẩn cho các nhà lãnh đạo trong giai đoạn căng thẳng này. Bạn nên đầu tư thời gian vào việc lắng nghe nhân viên sâu sắc, hạn chế việc phán xét và đưa ra mệnh lệnh. Thúc đẩy văn hóa cảm thông và quan tâm sẽ giúp giữ cho mọi người có động lực để gắn kết và làm việc hiệu quả hơn”, ông Andree Mangels nhận định.

Người lãnh đạo trong làn sóng Covid-19 thứ hai

Ngoài ra, nhu cầu có được các kỹ năng mới và vấn đề làm việc linh hoạt đã nổi lên trong đại dịch. Theo khảo sát của Adecco Việt Nam, 7/10 nhà lãnh đạo nhân sự cho biết giải quyết vấn đề và tính tự giác là hai kỹ năng mới được tìm kiếm ở các ứng viên tương lai. Hơn nữa, các tập đoàn lớn cũng đánh giá rất cao những nhân tài với khả năng lãnh đạo thông qua chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội của Adecco Việt Nam, những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian Covid-19 là tính tự giác và giao tiếp khi làm việc từ xa, cũng như những thay đổi chưa từng có trong kế hoạch kinh doanh và quy trình công việc. Phản ứng nhanh của doanh nghiệp về đào tạo và cung cấp các phần mềm, thiết bị kỹ thuật số sẽ đảm bảo người lao động khả năng quản lý công việc từ xa trong đợt bùng phát thứ hai của đại dịch này.

Doanh nghiệp cũng nên cung cấp thông tin về những gì đang xảy ra thường xuyên, hữu ích và minh bạch để điều hướng lực lượng lao động trong thời gian khủng hoảng này, bà khuyến nghị.

Người lãnh đạo trong làn sóng Covid-19 thứ hai 1

Adecco Việt Nam cho biết 56% chuyên gia nhân sự được khảo sát xác nhận rằng việc đào tạo lại nhân viên về cách làm việc mới là ưu tiên hàng đầu trong ba tháng tới. Họ cũng tập trung vào việc thúc đẩy sự tương tác của nhân viên (54%) và đẩy nhanh các chính sách làm việc từ xa (36%).

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc văn phòng TP.HCM của Adecco Việt Nam, nhận định không chỉ đào tạo lại, nâng cao trình độ mà việc bố trí lại nhân viên có thể trở thành một xu hướng sắp tới trong thời đại bình thường mới.

Khi thị trường đang thay đổi nhanh chóng, cấu trúc công ty hiện tại sớm muộn sẽ bị lỗi thời và các công ty có thể nghĩ cách bố trí lại nhân viên hiện có để lấp đầy các công việc mới.

Theo đó, doanh nghiệp có thể thiết lập “quy tắc 60”, nghĩa là những người có thể chuyển đổi phải đạt hơn một nửa yêu cầu của vị trí mới. Những bài kiểm tra thêm nên được thực hiện để đánh giá năng lực tiềm ẩn của nhân viên và sau đó các nhà quản lý có thể phác thảo lộ trình đào tạo cá nhân trong khoảng thời gian quy định. Chiến lược này sẽ giúp tránh được chi phí liên quan đến sự dư thừa và phải tuyển dụng bên ngoài khi dịch bệnh được kiểm soát một lần nữa, bà Thanh phân tích.

Doanh thu và lao động dưới áp lực của Covid-19

Theo khảo sát, 93% công ty có hoạt động tài chính bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó 43% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức doanh thu sụt giảm 21 – 40%. Ba lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất là thực phẩm và đồ uống, bất động sản, sản xuất.

Bên cạnh doanh thu và hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều công ty phải đối mặt với những quyết định nhân sự khó khăn, bao gồm cả việc sa thải hoặc cắt giảm lương. 30% doanh nghiệp giảm số lượng nhân viên từ 1 – 20% và 16% doanh nghiệp thậm chí phải cắt giảm 21 – 40% số lượng nhân viên hiện tại.

Lĩnh vực truyền thông có đến gần một nửa doanh nghiệp phải cắt giảm tới 1/5 nhân viên và 38% doanh nghiệp giảm ở mức 21 – 40%. Nghiêm trọng hơn, gần 8% công ty thậm chí đã chấm dứt hợp đồng của hơn 60% người.

Trong khi đó, dù không có tín hiệu tích cực nào về doanh thu trong chuỗi cung ứng và hậu cần, có tới 62% công ty trong lĩnh vực này duy trì lực lượng lao động và chỉ có 7,7% công ty sa thải 21 – 40% nhân viên. Các lĩnh vực khác có tỷ lệ không sa thải nhân viên cao là công nghệ thông tin và tài chính & bảo hiểm.

Để giảm thiểu rủi ro vì đại dịch, gần 60% công ty hoãn tất cả hoạt động tuyển dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Các giải pháp giảm chi phí lao động khác bao gồm hoãn đợt đánh giá kết quả công việc và tăng lương; hủy các chương trình thực tập; giảm giờ làm việc; yêu cầu nghỉ phép không lương tạm thời hoặc ngừng gia hạn hợp đồng vô thời hạn.