Nhiều đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Tùng Anh - 08:13, 25/05/2022

TheLEADERNgoài quy định chi tiết về bốn loại kiểu dáng bị cấm đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, các doanh nghiệp cần tham vấn ý kiến của đại diện sở hữu công nghiệp hoặc cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia có liên quan vì có thể có nhiều giới hạn hơn tuỳ vào pháp luật mỗi quốc gia.

Nhiều đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Một kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng một hoặc một số yêu cầu cơ bản, tùy thuộc vào luật quốc gia. Ảnh: Most.

Theo nguyên tắc chung, để có thể đăng ký, một kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng một hoặc một số yêu cầu cơ bản, tùy thuộc vào luật quốc gia.

Cụ thể, kiểu dáng công nghiệp phải “mới”, có nghĩa là không có kiểu dáng công nghiệp tương tự được bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn đăng ký.

Kiểu dáng công nghiệp phải có tính “nguyên gốc”, có nghĩa là được tạo ra bởi nhà sáng tạo kiểu dáng một cách độc lập hoặc không phải là bản sao hoặc bắt chước của kiểu dáng đã có.

Bên cạnh đó, kiểu dáng có “đặc điểm riêng biệt”, là khi ấn tượng tổng thể do kiểu dáng tạo ra đối với người sử dụng được thông báo khác biệt so với ấn tượng tổng thể được tạo ra cho người sử dụng đó bởi kiểu dáng có trước bất kỳ (đã được bộc lộ công khai).

Trong quá khứ, có khả năng bảo hộ kiểu dáng đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp liên quan đến các đối tượng như hình dáng của giày, kiểu dáng của khuyên tai hoặc hoa văn của bình trà. Tuy nhiên, trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, phạm vi bảo hộ đang dần mở rộng ra nhiều sản phẩm hơn và nhiều kiểu dáng khác nhau.

Những kiểu dáng ngày nay bao gồm các đối tượng như các biểu tượng trên màn hình điện tử được các mã máy tính tạo ra, các kiểu chữ nghệ thuật hoặc các hiển thị hình họa trên màn hình máy tính, các thiết bị gia dụng hoặc điện thoại di động.

Đối tượng không thể được bảo hộ làm kiểu dáng công nghiệp?

Nhìn chung, có bốn loại kiểu dáng bị cấm đăng ký ở nhiều nước. Một là kiểu dáng không đáp ứng các điều kiện về tính mới, tính nguyên gốc và/hoặc đặc điểm riêng biệt.

Hai là kiểu dáng bị cho rằng được tạo ra do chức năng kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Các đặc điểm của kiểu dáng có tính chức năng hoặc kỹ thuật có thể được bảo hộ bời các quyền sờ hữu trí tuệ khác (ví dụ, bởi sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc chúng được giữ như là bí mật thương mại), phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Ba là kiểu dáng chứa biểu tượng hoặc huy hiệu chính thức được bảo hộ (như quốc kỳ). Bốn là kiểu dáng được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải ghi nhớ rằng, một số nước loại trừ hàng thủ công nghiệp ra khỏi đối tượng bảo hộ vì pháp luật kiểu dáng công nghiệp ở các nước đó yêu cầu rằng sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải là “sản phẩm công nghiệp” hoặc được tạo ra bởi “phương tiện công nghiệp”.

Kiểu dáng truyền thống và hình thức thể hiện văn hóa truyền thống (hình thức thể hiện của văn hóa dân gian) thường được pháp luật sở hữu trí tuệ coi là thuộc “sở hữu cộng đồng” và không thể được bảo hộ. Tuy nhiên, sự phỏng theo và giải thích hiện đại về kiểu dáng công nghiệp do các cá nhân riêng lẻ tạo ra lại có thể được coi là có “tính nguyên gốc” và “tính mới” để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Các kiểu dáng dựa trên truyền thống đã được đăng ký ờ một số nước. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sự phỏng theo hiện đại của kiểu dáng truyền thống là sự bù đắp xứng đáng cho sự sáng tạo và đổi mới hiện đại.

Phụ thuộc vào pháp luật quốc gia, có thể có nhiều giới hạn hơn về đối tượng có thể hoặc không thể đăng ký làm kiểu dáng công nghiệp. Tốt nhất là tham vấn ý kiến của đại diện sở hữu công nghiệp hoặc cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia có liên quan.