Nhiều dự án điện tại Lâm Đồng chậm kéo dài

Nguyễn Cảnh - 17:10, 09/03/2022

TheLEADERDù đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư, 4 dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn chậm trễ thực hiện nhiều năm.

Nhiều dự án điện tại Lâm Đồng chậm kéo dài
Nhiều dự án điện tại Lâm Đồng chậm kéo dài vì vấn đề tài chính, khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (ảnh minh họa)

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận tổng cộng 24 dự án nguồn điện (điện gió, điện mặt trời, thủy điện) đã được duyệt bổ sung quy hoạch nhưng chưa vận hành. Trong đó, 15 dự án đã có quyết định chủ trương/chứng nhận đầu tư, 9 dự án đang chờ tỉnh cấp chủ trương đầu tư.

Trong 15 dự án nêu trên, có 4 trường hợp triển khai chậm kéo dài nhiều năm, gồm: Thủy điện Tân Thượng, thủy điện Đa Nhim Thượng 2, thủy điện Đa Hir và điện gió Cầu Đất với nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, Thủy điện Tân Thượng (27MW, tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng) không có nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư. Chủ đầu tư (Công ty CP Năng lượng Tân Thượng - Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đã rót khoảng 200 tỷ đồng vào dự án (lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công khoảng 70% khối lượng công trình). Giải pháp đưa ra, theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề xuất là tìm chủ đầu tư góp vốn hoặc sang nhượng lại phần đã đầu tư để tiếp tục đầu tư, sớm đưa dự án vào khai thác.

Tại dự án thủy điện Đa Nhim Thượng 2 (tiến độ vận hành dự kiến quý II/2019), tình trạng chậm triển khai có nguyên nhân từ vấn đề thời gian lập thủ tục chuyển đổi rừng tự nhiên kéo dài. Hiện tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi rừng.

Tình trạng vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng là nguyên nhân khiến dự án thủy điện Đa Hir (dự kiến vận hành quý II/2017) rơi vào cảnh chậm kéo dài.

Đối với dự án điện gió Cầu Đất, việc chậm trễ nhiều năm là do tập hợp số liệu đo gió và nghiên cứu thiết kế cũng như khó khăn trong tìm nguồn tài chính đầu tư dự án. Tới nay, dự án đang dừng ở công đoạn lắp đặt tuabin gió và dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2022.

Sở Công thương Lâm Đồng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi rừng các dự án (Thủy điện Đa Nhim Thượng 2 và Đa Hir), tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai, sớm đưa dự án vào khai thác vận hành.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lâm Đồng có 32 dự án thủy điện đã vận hành. Đa số các nhà máy thủy điện dừng phát điện các giờ cao điểm buổi trưa, một số dự án thủy điện nhỏ không có hồ chứa tích nước phải xả nước tràn qua đập. Ngoài ra, Lâm Đồng mới chỉ có điện mặt trời mái nhà nối lưới (với tổng công suất khoảng 300MWp).

Ngoài ra, tỉnh còn có 9 dự án đã vào quy hoạch, nhưng chưa cấp chủ trương đầu tư, gồm: sáu dự án thủy điện, hai dự án điện gió (Xuân Trường 1, 2) và một dự án điện mặt trời (Tam Bố).

Hai dự án điện gió Xuân Trường 1, 2 (tổng công suất khoảng 100MW) đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lâm Đồng từ năm 2018. Hiện tại, nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư năng lượng HPD) vẫn đang chờ ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng sở tại.