Những con số ấn tượng về chuyển đổi số ở Quảng Ninh

Tiêu Hạ - 09:00, 01/12/2023

TheLEADERChuyển đổi số ở Quảng Ninh đã đi vào thực chất cuộc sống.

Những con số ấn tượng về chuyển đổi số ở Quảng Ninh
Quảng Ninh vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh Ảnh: Minh Hà/Baodautu

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số từ rất sớm, năm 2012 Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động với mục tiêu trở thành một tỉnh hình mẫu về chuyển đổi số của đất nước. 

Bên cạnh việc dồn lực đầu tư hạ tầng "cứng" phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. 

Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động; hạ tầng Internet băng rộng được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động; 99,8% dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên; tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; 100% dân số được phủ sóng Internet; 92,84% số hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định; 89,13% số hộ gia đình có kết nối cáp quang (cả nước là 75,39%).

"Đề án xây dựng chính quyền điện tử" được tỉnh tập trung triển khai, coi đó là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC với mô hình 14 trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Hiện 100% cán bộ cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã tham gia, sử dụng thành thạo các tiện ích hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh của tỉnh; trên 99% văn bản hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được trao gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; kết nối 100% bộ, ban, ngành của trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc; gửi và nhận trên 13,7 triệu văn bản điện tử có ký số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cung cấp 1.240 dịch vụ công trực tuyến/tổng số 1.367 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 90,7%). 

Năm 2023 toàn tỉnh đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí thanh toán không dùng tiền mặt. 

Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc (gần 50%), trong đó cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%.