Nỗi oan của những ngành ‘có vẻ gây ô nhiễm’

Hoàng Đông - 10:47, 09/12/2023

TheLEADERMột số địa phương tỏ ra không mặn mà, không chào đón doanh nghiệp hoạt động trong những ngành “có vẻ gây ô nhiễm”, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đánh mất nguồn lực chuyển đổi xanh.

Nỗi oan của những ngành ‘có vẻ gây ô nhiễm’
Bên trong nhà máy không chất thải của Nhựa tái chế Duy Tân

Sở hữu chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập nhưng Nhựa tái chế Duy Tân vẫn không nhận được sự quan tâm, chào đón, thập chí bị từ chối thẳng thừng từ các địa phương với lý do “chưa có chủ trương, chính sách”.

Hiểu rằng ngành tái chế từng mang nhiều tiếng xấu là gây ô nhiễm thứ cấp nhưng ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân, khẳng định, nhà máy của doanh nghiệp này đảm bảo tiêu chí không khí thải, không nước thải, không chất thải rắn.

Do đó, việc lo ngại đơn vị tái chế này gây ô nhiễm thứ cấp có thể nói là thiếu căn cứ. Về lâu dài, thái độ của các địa phương có thể gây tác động rất tiêu cực đến ngành công nghiệp tái chế vốn đang rất nỗ lực chuyển mình để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Tránh bẫy “lọc ngành”

Ngành công nghiệp tái chế không phải trường hợp duy nhất gánh chịu những định kiến xấu. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh niên, cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản ánh đến tờ báo về trường hợp gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư do bị địa phương tỏ thái độ không mặn mà, thậm chí bị gạt đi vì lo sợ rủi ro ô nhiễm.

Đáng chú ý, những ngành công nghiệp được liệt vào danh sách gây ô nhiễm hàng đầu đều là những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế như dệt may, xây dựng, nông nghiệp… Đến cả những ngành công nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng thu hút đầu tư như bán dẫn cũng có nguồn đầu vào là các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Nói cách khác, nếu muốn “lọc” tất cả những ngành công nghiệp “có vẻ gây ô nhiễm” theo cách cực đoan, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối và tổn thương nghiêm trọng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nói trên đang rất nỗ lực để xanh hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Quá trình này không đơn giản, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực để đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao trình độ quản trị, đào tạo nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp vốn đang phải chịu những áp lực rất lớn do diễn biến khó khăn trong nền kinh tế, nếu lại nhận phải sự “ghẻ lạnh”, làm khó từ phía chính quyền địa phương, chắc chắn sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề và không có nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi xanh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), bổ sung, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam thông qua những dự án sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn như ở các nước phát triển. Nếu gây khó dễ cho những nhà đầu tư này, họ hoàn toàn có thể “chạy” sang nước khác và Việt Nam mất đi nguồn lực lớn để chuyển đổi xanh.

Nỗ lực từ nhiều phía

Ô tô điện là ngành kinh tế xanh đang nhận được nhiều sự quan tâm của những ông lớn trên thế giới, từ những tập đoàn lâu đời như Ford, Hyundai, Honda cho đến những tay chơi mới có mức vốn hóa tỷ USD như Tesla, Rivian hay VinFast.

Tuy nhiên, “linh hồn” của xe điện là viên pin lại ra đời từ những chuỗi cung ứng không hề “xanh”. Những kim loại thiết yếu cho sản xuất pin xe điện như lithium, coban, niken đang được khai thác một cách bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại nhiều nơi trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3), cho biết, để sản xuất ra những chiếc xe điện thực sự “xanh”, các tập đoàn lớn trên thế giới phải chi rất nhiều tiền để đầu tư vào công nghệ cao cũng như kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác, sản xuất.

Nói cách khác, ngành công nghiệp dù có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh là “bẩn” hay “sạch” phụ thuộc nhiều vào ý chí của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mặt khác, bà Nhi cũng cho biết, doanh nghiệp không phải là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, KCN Phú Mỹ 3 đã phải đầu tư rất lớn để đáp ứng các tiêu chí về khu đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh của doanh nghiệp trong KCN này.

“Câu chuyện chuyển đổi xanh phải là sự phối hợp của ba bên, bao gồm nhà quản lý, nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và nhà đầu tư sản xuất trong KCN”, bà Nhi nói tại hội thảo Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải do Báo Thanh niên tổ chức.

Đồng quan điểm, ông Lộc cho biết, kinh tế xanh không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần phải thực hiện một cách bài bản, có lộ trình.

Phát triển bền vững bao hàm cả mục tiêu kinh tế, bởi không có kinh tế thì hiển nhiên là không có phát triển. Do đó, ông Lộc nhấn mạnh, lộ trình xanh nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cần phải cân đối với việc đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Do đó, Chủ tịch VIAC đề nghị cần có chiến lược quốc gia phù hợp cho sự chuyển đổi xanh của từng ngành và đảm bảo tính phối hợp liên ngành.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá, tiêu chuẩn và tiêu chí là yếu tố tiên quyết cho chuyển đổi xanh. Dựa trên những tiêu chuẩn này, có thể tiến hành “lọc ngành” nhưng phải có tính toán chi tiết, đảm bảo không gây ra cú sốc cho doanh nghiệp, không tác động tiêu cực đến sinh kế của người lao động.