Nữ anh hùng năng lượng tái tạo Ngụy Thị Khanh

Mỹ Linh - 10:06, 18/03/2019

TheLEADERNhờ đóng góp quan trọng trong năng lượng tái tạo, Ngụy Thị Khanh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá Anh hùng môi trường nhưng hành trình đầy khó khăn đằng sau nụ cười ấy không phải ai cũng rõ.

Sinh ra trong một gia đình nông thôn tại Bắc Am (Bắc Giang), chị Ngụy Thị Khanh có tuổi thơ đầy khói bụi và ô nhiễm khi lớn lên gần một nhà máy nhiệt điện than. Theo học lịch sử, tiếng Pháp, ngoại giao và từng có ý định trở thành một nhà ngoại giao, chị Khanh giờ đây lại lựa chọn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Với người phụ nữ đã ngoài 40 ấy, đến với năng lượng là cả một hành trình dài lẫn cơ duyên và sự đam mê. Kể từ năm 2007, chị Khanh bắt đầu thực hiện các dự án liên quan đến bảo tồn nước, thấy được tác động của thủy điện nhưng khi đến thực địa, gặp cộng đồng tái định cư, mới thấy trăn trở “làm sao để những vấn đề tồn đọng không còn nữa”.

“Chị thấy rằng thủy điện chỉ là một phần trong bức tranh năng lượng nên quyết định tập trung vào năng lượng và bắt đầu từ khoảng năm 2011”, chị Khanh chia sẻ.

Càng đi vào nghiên cứu, chị Khanh càng thấy năng lượng là biểu tượng của phát triển, mới ngẫm lại những hồi ức tuổi thơ đầy bụi bặm và mầm mống bệnh tật.

Năm 2011, chị Khanh thành lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. 

Chị đồng thời cũng là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng khu vực.

Cùng với các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, vị nữ giám đốc hướng tới mục tiêu giảm sự lệ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than.

Chủ động học hỏi mọi thứ có thể liên quan nhiệt điện than và biến đổi khí hậu, chị Khanh cùng với các đồng nghiệp và các cơ quan chức năng phát triển một kế hoạch thay thế mang tính bền vững hơn, cho ra đời một nghiên cứu về cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu nguồn cung năng lượng theo hướng ủng hộ sự phát triển của các nguồn năng lượng bền vững.

Nghiên cứu và sự hợp tác của chị về kế hoạch năng lượng quốc gia bền vững hơn trong môi trường đã tích cực hỗ trợ chính phủ Việt Nam cho ra đời Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và công bố tháng 3/2016.

Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, đồng thời tiếp thu đề xuất của vị nữ giám đốc trong việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. Với những hoạt động đó, người phụ nữ này đã góp phần giúp định hướng Việt Nam theo con đường độc lập về năng lượng.

Nữ anh hùng năng lượng tái tạo Ngụy Thị Khanh
Nhờ những đóng góp quan trọng, Ngụy Thị Khanh trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá của quỹ Goldman dành cho các nhà hoạt động môi trường. Ảnh: Goldmanprize

Nhờ những hoạt động không biết mệt mỏi trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, chị Ngụy Thị Khanh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên và là đại diện châu Á nhận giải thưởng Anh hùng môi trường năm 2018 của Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) – giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở vì những thành tựu quan trọng.

“Khi nghe tin được trao giải, chị rất bất ngờ và thật sự cảm thấy vinh dự, tự hào vì là người Việt Nam đầu tiên”, vị giám đốc GreenID nhớ lại giây phút ấy.

Trợ thủ đắc lực mang tên Gia đình

Với bất kỳ người phụ nữ Việt nào, việc cân bằng cuộc sống gia đình với công việc, sự nghiệp là một thách thức lớn, đòi hỏi sự cảm thông, chia sẻ từ người thân cũng như nỗ lực lớn từ chính bản thân.

“Có lẽ chị là người khá may mắn vì được tạo cơ hội toàn tâm toàn ý với công việc, lại có thể thu xếp công việc gia đình, chăm sóc con cái. Khi mình có nhiều thời gian hơn, chắc chắn bọn trẻ sẽ thích hơn nhưng do điều kiện công việc, nhiều khi có những điều rất thiệt thòi”.

“Ông xã là một người rất tích cực hỗ trợ, luôn đứng sau giúp đỡ vợ dù rất bận. Có như vậy, chị mới đạt được thành quả như ngày hôm nay”, người phụ nữ tâm sự về một nửa đời mình.

Với chị Khanh, cuộc sống luôn đầy ắp những điều hạnh phúc khi các bạn nhỏ ngoan ngoãn, gia đình hòa thuận và công nghệ chính là một trong những chìa khóa giúp chị trao đổi, liên lạc với các con mỗi khi xa nhà.

Tuy nhiên, việc vận hành này đòi hỏi cường độ làm việc cao và áp lực, thậm chí có thời điểm đã khiến “nữ anh hùng môi trường” kiệt sức và nghĩ đến quyết định bỏ việc.

“Năm 2012 khi GreenID bắt đầu đi vào hoạt động là năm cực kỳ sóng gió với chị. Không lâu sau khi tổ chức hình thành, chị sinh em bé thứ ba và được khoảng 5 tháng, chị gặp tai nạn và gẫy chân. Vào thời điểm đó, áp lực dồn nén đến nỗi chị không thể có được một giọt sữa cho con. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp và chị không thể tưởng tượng rằng khó khăn lại chồng chất đến một lúc như vậy”, chị Khanh trầm ngâm hồi tưởng.

Sự hỗ trợ từ gia đình cũng như đồng nghiệp đã giúp chị Khanh vượt qua “bão tố”, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp năng lượng.

Năng lượng tái tạo – con đường hoa hồng đầy gai

Giám đốc GreenID nhận định rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng, xuất phát từ tiềm năng và xu thế phát triển chung của thế giới.

Trong nước, các chủ trương, chính sách của Đảng hướng tới khuyến khích phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và trong đó, năng lượng tái tạo được xem là một giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đó.

“Đây là những cơ hội về chính sách cấp cao nhưng việc có khả thi hay không lại phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, nỗ lực cải cách cũng như giám sát thực thi. Lợi ích, cơ hội mọi người đều thấy rõ nhưng tính khả thi lại phụ thuộc vào năng lực thực hiện, ý chí quyết tâm của các cơ quan cùng các bên liên quan”, chị Khanh nhấn mạnh.

Nữ anh hùng năng lượng tái tạo Ngụy Thị Khanh 1
Vị Giám đốc GreenID nhận định rằng năng lượng tái tạo là sự lựa chọn của phát triển, tiến tới con đường phát triển xanh và phát triển bền vững. Ảnh: Goldmanprize

Chị Khanh đánh giá rằng năng lượng tái tạo là con đường phát triển đáp ứng nhanh với nhu cầu an ninh năng lượng. Trong khi một dự án nhiệt điện than cần 7 – 10 năm, năng lượng tái tạo có thể làm rất nhanh và làm ở nhiều địa phương cùng lúc.

Lĩnh vực này có thể phân tán, có sự tham gia của nhiều người một lúc, chia sẻ lợi ích lớn cho cộng đồng cũng như không tạo áp lực lớn lên ngân sách Nhà nước do phần vốn được tư nhân huy động và tự lo.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu về năng lượng mà còn giúp giảm rác thải cũng như ứng dụng vào nhiều lĩnh vực nhỏ khác.

“Cơ hội không chỉ nằm ở mặt năng lượng mà còn lan tỏa sang các ngành khác và các hệ sinh thái xung quanh. Khu vực nghèo là khu vực có cơ hội lớn khai thác nguồn lợi này, mang lại sự phát triển cân bằng”.

Càng gắn bó với năng lượng tái tạo, chị Khanh càng cảm nhận rõ khó khăn khi đây vẫn được xem là một lĩnh vực mới trong tư duy của nhiều người và thậm chí, ngay cả những người trong ngành cũng nghĩ rằng năng lượng tái tạo chỉ là một nguồn bổ sung thay vì là thứ yếu.

“Do đó trong một giai đoạn dài, năng lượng tái tạo không được ưu tiên dù giờ đây, lĩnh vực này đang trở thành sự lựa chọn của phát triển”, chị Khanh nhấn mạnh.

Theo chị, Việt Nam chưa có nhiều sự chuẩn bị về công nghệ cũng như chính sách, đặc biệt là quy trình thủ tục thực hiện các dự án. Có những chính sách được đưa ra từ tháng 4 nhưng đến đến tận tháng 9, tháng 10 mới xuất hiện trong hướng dẫn, kéo dài thời gian chờ đợi.

Không chỉ vậy, chính sách được đưa ra còn thiếu các giải pháp đồng bộ, vướng mắc vào giấy phép con, kéo năng lượng tái tạo đến khó khăn trong tiếp cận tài chính.

“Vì chính sách chưa đồng bộ, chưa ổn định và vẫn bấp bênh nên các nhà đầu tư rất khó đi vay tiền ngân hàng bởi yếu tố đánh giá rủi ro”, chị Khanh giải thích.

So sánh với giá điện, vị giám đốc GreenID cho biết thông tin giá năng lượng tái tạo cao là không đúng vì giá thành hiện nay đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, điều bất lợi chính là do quy mô nhỏ, hệ thống đầu nối của Việt Nam chưa hiện đại, chưa tương thích để phổ rộng loại năng lượng mới này.

Về mặt công nghệ, nhiều giải pháp đã được đưa ra với chi phí ưu việt hơn nhưng bài toán quy hoạch và lưới điện vẫn là trăn trở của không ít nhà hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.