Phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc

Nhật Hạ - 08:00, 11/07/2021

TheLEADERViệt Nam hôm nay chính thức phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kéo dài 9 tháng cho tất cả người dân trên 18 tuổi.

Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó dự báo hơn khi xuất hiện biến thể Delta, người dân tại TP.HCM và một số tỉnh thành đang đối mặt với sự khó khăn bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách… để chống dịch thành công, Thủ tướng nhấn mạnh “vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19”.

Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ diễn ra từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Tại buổi lễ phát động hôm nay (10/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kế hoạch tiêm chủng trong mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai tiêm chủng trên diện rộng.

Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 mũi tiêm trong 9 tháng, với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc-xin” và “mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin”.

Chiến dịch vắc-xin hướng tới tiêm miễn phí hằng năm cho người dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Do đó, nội dung chính của chiến dịch bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc-xin trong nước.

Thủ tướng cho biết, “việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước đang đạt được những bước tiến rất tích cực, tiềm năng”. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc-xin.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ngày 10/7. Ảnh: Nhật Bắc

Sự ra đời của Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước và kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Tính đến nay, quỹ đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vắc-xin.

Bên cạnh việc kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của người dân để chiến thắng dịch bệnh, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mọi người dân không chủ quan sau tiêm vắc-xin mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam có được 105 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Riêng trong tháng 7/2021, hơn 9 triệu liều vắc-xin được chuyển cho Việt Nam. Ngay trong hôm nay, sẽ có 1,5 triệu liều vắc-xin được chuyển vào TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Theo ông Long, chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm thay đổi so với hoạt động tiêm chủng toàn quốc trước đây với quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Việt Nam đã thiết lập hệ thống bảo quản hoàn toàn mới do quân đội phụ trách. Vắc-xin sẽ bảo quản tại các kho của các quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Từ đó, vắc-xin sẽ được chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vắc-xin.

Số lượng lớn nhân sự được huy động để tổ chức tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng cố định và di động được tổ chức dựa trên mạng lưới hệ thống y tế cơ sở sẵn có, như vậy giúp tăng tiến độ bao phủ vắc-xin. Người đến tiêm cũng được đảm bảo an toàn tối đa nhờ khám sàng lọc, theo dõi chặt sức khỏe sau tiêm tại toàn tuyến y tế, các chuyên gia đầu ngành về điều trị và dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả điểm tiêm.

Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn chuyên môn theo hướng đảm bảo cho người tiêm, phối hợp cùng các bên liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý tiêm chủng quan ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, cấp QR code cho người đã tiêm làm căn cứ đảm bảo hộ chiếu vắc-xin sau này. Xây dựng ứng dụng tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19. Thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng độc lập.

Cũng trong sáng 10/7, Bộ Y tế đã tiếp nhận trên 2 triệu liều vắc-xin Moderna thông qua Cơ chế Covax, 63 xe vận chuyển vắc-xin và 63 xe tiêm chủng lưu động. Trong đó, 1 triệu liều vắc-xin được chuyển khẩn cấp cho TP.HCM.