Phát triển bền vững để gia tăng giá trị doanh nghiệp

Hoàng Đông - 20:43, 28/06/2024

TheLEADERThành lập từ giữa năm 2019, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) là tổ chức quy tụ những doanh nghiệp tiên phong hoạt động vì mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì.

Đáng chú ý, PRO Việt Nam thành lập và đi vào hoạt động từ trước khi kinh tế tuần hoàn được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là minh chứng cho thấy sự tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp đối với các giải pháp hướng đến phát triển bền vững.

Bà Chu Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam, nhìn nhận, phát triển bền vững thông qua các giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhờ tiết giảm tài nguyên, giảm thiểu chi phí, thúc đẩy cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng và xã hội.

Nói cách khác, doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững xuất phát từ những lợi ích hết sức thiết thực. Dựa trên tinh thần đó, PRO Việt Nam triển khai một loạt sáng kiến như loại bỏ màng co nắp chai, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái sinh, hỗ trợ mạng lưới thu gom phế liệu.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, nhiều quy định, chính sách mới đã và đang làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư trên toàn cầu, tập trung vào giải quyết ba cuộc khủng hoảng lớn là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi thuận theo xu thế để đảm bảo khả năng xâm nhập thị trường, tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Ngược lại, nếu không có sự chủ động thích ứng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đánh mất thị trường hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng của đối tác.

“Việc phát triển bền vững theo đúng chuẩn quốc tế là tất yếu để doanh nghiệp tiếp tục tham gia thương mại toàn cầu”, ông Thọ nói.

Mặt khác, theo bà Thanh, doanh nghiệp cũng là lực lượng chính yếu, đóng vai trò chủ lực trong công cuộc thực hiện hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua các giải pháp, thực hành cụ thể tại doanh nghiệp.

Thêm nữa, doanh nghiệp cũng tạo ra tác động lan tỏa tới cộng đồng và người tiêu dùng thông qua hoạt động truyền thông, quảng cáo hay những thông điệp ý nghĩa được lồng ghép vào trong sản phẩm, dịch vụ.

Thấu hiểu được vai trò cũng như trách nhiệm trong mục tiêu phát triển bền vững là tiền đề để doanh nghiệp đưa ra những phương án, hướng đi thiết thực, đem lại hiệu quả cao, điển hình như tại Ford Việt Nam.

Ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam, cho biết, tập đoàn Ford Motor luôn đặt mục tiêu song hành cùng sự phát triển bền vững ở những quốc gia, địa phương mà tập đoàn hoạt động.

Tại Việt Nam, Ford chú trọng tăng cường mức độ tuần hoàn nước và sử dụng năng lượng tái tạo. Tính đến hiện tại, nhà máy Ford tại Hải Dương đã đạt được mục tiêu không có chất thải chôn lấp, nhờ vào kết nối để thu gom, xử lý, tái chế với các đối tác. Bên cạnh đó, quy trình sơn xe của nhà máy cũng được xử lý hiệu quả để giảm khí thải ra môi trường.

Còn tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), tập trung vào phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là cách đồng hành với Chính phủ trong thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hiện tại, PV Gas đã nhập năm tàu LNG để sản xuất điện cho các khu công nghiệp, đồng thời nghiên cứu một số sản phẩm mới phục vụ cho sản xuất hóa dầu, nhiên liệu hydro, amoniac xanh.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc PV Gas, cho biết, doanh nghiệp này coi chuyển dịch năng lượng là thách thức nhưng cũng là cơ hội để hoàn thiện, tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững.