Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển hệ thống sân bay đến năm 2050

Nhật Hạ - 08:00, 06/03/2020

TheLEADERPhó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu dự báo các trục đường bay dự kiến khai thác trong mạng cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển hệ thống sân bay đến năm 2050
Quy hoạch tổng thể sắp tới sẽ đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.

Phó thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu hướng đến nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, một trong các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch là phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và đánh giá hiện trạng, thực trạng hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, sự phân bố các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu phương pháp dự báo về vận chuyển hàng không theo hướng dẫn của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hoặc tham khảo kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới. 

Từ đó dự báo xu thế phát triển, xác định nhu cầu và yêu cầu về vận chuyển hàng không dân dụng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển kinh tế vùng, địa phương và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trong thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch tổng thể cần đánh giá về mối liên kết của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trong ngành hàng không dân dụng, liên kết vùng; đánh giá tính đồng bộ với các phương thức vận tải khách như đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải...

Xác định yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đối với hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; những cơ hội và thách thức phát triển của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể sắp tới phải xây dựng phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc bao gồm 4 nội dung chủ yếu.

Thứ nhất, xác định quy mô, mạng đường bay khai thác của hệ thống cảng hàng không sân bay.

Thứ hai, xác định quy hoạch phát triển đối với từng cảng hàng không, sân bay bao gồm: Loại hình, vai trò, vị trí, quy mô (bao gồm cả việc xác định các cảng hàng không chính, trung chuyển của Việt Nam);

Dự báo các trục đường bay dự kiến khai thác trong mạng cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (như dự trữ xây dựng thêm đường cất hạ cánh và các công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới;

Nghiên cứu, rà soát đề xuất phát triển các trung tâm Logistic chuyên dụng hàng không, các trung tâm đào tạo phi công tại cảng hàng không, sân bay, hàng không chung, đô thị cảng hàng không có tiềm năng và nhu cầu sử dụng đất, ước toán chi phí đầu tư.

Thứ ba, rà soát, cập nhật kết quả các nghiên cứu, quy hoạch các cảng hàng không đã hoặc đang được nghiên cứu, quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 như cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài...

Thứ tư, xác định vai trò của các cảng hàng không cửa ngõ/cảng hàng không lớn (bao gồm cả định hướng phát triển đô thị khu vực cảng hàng không (nếu có)).

Thứ năm, xác định và lượng hóa tiêu chí xem xét, quyết định chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế (nếu có).

Thêm nữa, xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và thứ tự ưu tiên thực hiện, trong đó cần phân tích và đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (ví dụ như nhu cầu, tính khả thi về kinh tế, tính khả thi về tài chính, tác động đến ngành và kinh tế xã hội vùng, miền, phù hợp với chính sách phát triển quốc gia và quy hoạch cao hơn...).