Tái cấu trúc bền vững chuỗi cung ứng sau đại dịch bằng kinh tế tuần hoàn

Sơn Phạm - 11:56, 13/06/2020

TheLEADERCác chính phủ, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân cần chung sức hướng tới mục tiêu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào chuỗi cung ứng để phục hồi kiên cường và bền vững nền kinh tế sau đại dịch.

Tái cấu trúc bền vững chuỗi cung ứng sau đại dịch bằng kinh tế tuần hoàn
Chuỗi cung ứng bền vững được cho là phương pháp tối ưu giúp cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Chuỗi cung ứng bền vững được cho là phương pháp tối ưu giúp cho nền kinh tế không chỉ khôi phục trở lại sau đại dịch, mà còn phát triển theo hướng toàn diện và thịnh vượng hơn.

Định hướng tầm nhìn của các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để tạo ra một nền kinh tế toàn diện và bền vững là trọng tâm của báo cáo 'Xây dựng lại tốt hơn: Phục hồi bền vững và kiên cường sau Covid-19' mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra.

Cụ thể, các chuyên gia đến từ OECD đề xuất cần đặt con người và lợi ích của con người là trung tâm của các kế hoạch phục hồi, bên cạnh việc cải thiện môi trường tự nhiên và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Trong những thập kỷ gần đây, chuỗi cung ứng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh đã trở nên phức tạp và cồng kềnh hơn rất nhiều, được cho là bởi xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những đặc điểm này trở thành điểm yếu chí mạng, khi sự tê liệt vì tình hình dịch bệnh và những lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều chuỗi cung ứng hoàn toàn bị đóng băng. Hậu quả là những thiệt hại nặng nề, kéo dài và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Tái cấu trúc bền vững chuỗi cung ứng sau đại dịch bằng kinh tế tuần hoàn
Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng ở các địa phương.

Kinh tế tuần hoàn: giải pháp cho chuỗi cung ứng

Thực tế đã đặt ra yêu cầu phải giải quyết những bất cập trong chuỗi cung ứng một cách kịp thời nhưng cũng cần đảm bảo yếu tố bền vững để tránh những nguy cơ có thể xảy đến trong tương lai.

Các chuyên gia nhận định, chuỗi cung ứng hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế cần phải được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn và an toàn hơn, nhưng cũng cần thân thiện với môi trường.

Theo đó, OECD đề xuất các chính phủ nên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như là giải pháp tối ưu cho vấn đề trên.

Các chuyên gia cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng ở các địa phương, thông qua đặc điểm sử dụng những nguyên vật liệu thứ cấp sẵn có làm đầu vào cho sản xuất.

Áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch tái chế, tái sử dụng những chất thải sau quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là rác thải nhựa, để thay thế cho nguồn cung vốn đang bị gián đoạn.

Không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, kinh tế tuần hoàn còn là chìa khóa cho sự phát triển lâu dài. Cụ thể, nếu đạt đến một mức độ ứng dụng nhất định, chuỗi cung ứng dựa trên kinh tế tuần hoàn sẽ trở nên khép kín, tạo ra một lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi tác động của bên ngoài.

Việc giảm thâm dụng tài nguyên, giảm vận tải hàng hóa cũng góp phần đẩy lùi những tác động gây ra do biến đổi khí hậu. Đây chính là điểm sáng của mô hình kinh tế tuần hoàn mà các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới, khi những biến động về môi trường và khí hậu ngày càng khó lường và gây nhiều tác động nguy hại.

Chuyển đổi tuần hoàn: bài toán chung của nền kinh tế

Kinh tế tuần hoàn không phải là một khái niệm mới. Thực tế, những lý thuyết và cả ứng dụng của kinh tế tuần hoàn đã ra đời và được triển khai từ nhiều năm nay nhưng việc áp dụng mô hình này vẫn còn là điều khó khăn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Là một quốc gia năng động bậc nhất khu vực và thế giới, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng hết sức to lớn trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Việt Nam đã áp dụng từ rất sớm những mô hình Vườn – Ao – Chuồng trong nông nghiệp, sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng hay phương pháp sản xuất kinh doanh sạch của một số doanh nghiệp tiêu biểu.

Tuy nhiên, những khó khăn về vấn đề nhận thức của người dân, sự thiếu hụt về công nghệ hay hành lang pháp lý khiến cho kinh tế tuần hoàn chưa thể được ứng dụng rộng rãi. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang gặp vướng mắc.

Từ thực tế trên, OECD khuyến nghị, để ứng dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn để xây dựng lại chuỗi cung ứng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân.

Cụ thể, về phía chính phủ cần đưa ra những gói hỗ trợ về tài chính và công nghệ để giúp các doanh nghiệp có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong tình trạng khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, những quy định pháp lý cũng cần được hoàn thiện một cách minh bạch và rõ ràng.

Về phía doanh nghiệp, cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau, với mục tiêu làm sao đồng bộ hóa quy trình sản xuất kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn chất thải phát sinh làm đầu vào cho sản xuất.

Về phía cá nhân, cần có ý thức trong việc tự phân loại rác thải sinh hoạt, tránh những hành vi xả rác bừa bãi hay lạm dụng những sản phẩm làm từ nhựa, ni lông hay những hóa chất độc hại, bên cạnh việc tích cực đấu tranh, tố giác những hành vi sản xuất kinh doanh kiếm lời bất chấp những tác hại gây ra cho môi trường xung quanh.

Thêm nữa, OECD cũng đề nghị các quốc gia tập trung vào chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng cũng như những dự án liên quan đến xử lý chất thải và cung cấp nước sạch.