Thời cơ và thách thức mới cho ngành gỗ Việt

Kim Yến (thực hiện) - 16:03, 12/02/2021

TheLEADERÔng Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) có cuộc trò chuyện về ngành gỗ và nội thất trong nước đứng trước những thời cơ và thách thức mới của thị trường.

Ngành gỗ và nội thất đang hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó trong bối cảnh đầy biến động của thị trường toàn cầu, theo ông cần phải vượt qua những thách thức nào trong ngắn hạn và dài hạn?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Trong bối cảnh ngành sản xuất và chế biến gỗ toàn cầu có nhiều khó khăn khi thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, xuất khẩu gỗ Việt Nam có lợi thế rất lớn. Đây là một trong số ít những ngành suốt 18 năm qua năm nào cũng tăng trưởng cho dù kinh tế thế giới có khủng hoảng, thậm chí có năm tăng trưởng 2 con số, như năm 2019 và 2020 mặc dù bị Covid-19.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ tư trên thế giới, thứ nhì châu Á. Năm 2019 xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, năm 2020 hơn 12,5 tỷ USD, luôn vượt chỉ tiêu dự kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt tín hiệu rất tốt là xuất siêu, vì ngành này không nhập gì nhiều, chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu Mỹ để chế biến rồi lại xuất sang Mỹ.

Nhưng để đạt đến mục tiêu 20 tỷ USD đến 2025 có nhiều thách thức.

Thứ nhất là tỷ lệ của các doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu hàng chất lượng cao khối FDI vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn, trên 50%, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là hàng có giá trị thấp. Điều này phải sớm thay đổi.

Thời cơ và thách thức mới cho ngành gỗ Việt
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation

Thứ hai là yêu cầu sử dụng nguồn gỗ bền vững, có nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Việt Nam vừa ký kết hiệp định với châu Âu về việc kiểm soát nguồn gỗ trong thị trường là gỗ bền vững, và là nước thứ hai ở châu Á, sau Indonesia, đã ký kết với châu Âu hiệp định này. Chính phủ hiện rất quyết liệt để xây dựng thị trường gỗ Việt Nam bền vững, bảo vệ môi trường.

Thứ ba là các thế hệ tiếp kế cận trong ngành này. Thế hệ thứ nhất F1 đa số đều lớn tuổi, đang chuẩn bị chuyển giao cho thế hệ F2. Nhưng liệu thế hệ F2 có xem ngành này là một ngành hấp dẫn để họ thích thú bước vào hay không? Đó thực sự là câu hỏi lớn.

Ngành này hiện đòi hỏi sự sáng tạo, sử dụng công nghệ cao, sản phẩm ngày càng yêu cầu khắt khe về môi trường nên phải tạo được môi trường lành mạnh để thu hút nhóm người trẻ ưu tú toàn xã hội khởi nghiệp trong ngành này. Chứ như hiện nay, các startup đa số đều chọn IT, ăn uống, còn làm sản xuất là rất ít.

Thứ tư là ứng dụng công nghệ phải đi trước để tránh khó khăn mà các nước đang phải đối diện, khi giá nhân công cao mà mình chưa đủ công nghệ để thay thế, khiến cho giá cả khó cạnh tranh. Đầu tư công nghệ nhiều hơn sẽ giúp cải tiến sản xuất, có lợi nhuận cao hơn; đồng thời giúp tiếp xúc với khách hàng thuận lợi hơn.

Thứ năm là cơ cấu hàng xuất khẩu ngành gỗ phải thay đổi. Hiện Việt Nam chủ yếu xuất gỗ thô, chế biến thô, cây làm dăm, giấy… nên không hỗ trợ được nhiều cho người nông dân trồng rừng. Tuổi đời của cây chỉ từ 2 đến 4 năm cũng không bền vững. Chúng ta cần trồng rừng khoảng 7-8 năm thu hoạch thì gỗ đó mới tốt cho ngành chế biến gỗ, tạo giá trị gia tăng cao.

Mặt khác khi rễ cây ăn bám vững, tạo hệ môi trường mới, đủ sức giữ đất, giữ nước, thì rừng đó mới bền vững. Đây là vấn đề rất lớn của Việt Nam, nhất là qua những đợt lũ vừa rồi. Hiện diện tích trồng rừng của chúng ta lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, gây khó cho cả doanh nghiệp và quản lý nhà nước

Câu chuyện phải chuyển ngành gỗ từ gia công giá trị thấp sang làm sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng thiết kế cao (ODM) đã được nói nhiều nhưng hiện giờ ông thấy thực tế thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Thiết kế và làm ra những sản phẩm có giá trị cao Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Việt Nam không có doanh nghiệp khổng lồ, nhưng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, với những nhà máy từ vài trăm công nhân trở lên, có tính linh động, sáng tạo cao. Nên các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn làm được ODM.

Nhu cầu về hàng nội thất dân dụng, nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình xây dựng, khách sạn, khu du lịch… là rất lớn. Ước tính có giá trị trên 500 tỷ đô/năm trên toàn thế giới.

Vấn đề là các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu để tạo ra các sản phẩm sáng tạo và có giá trị, phù hợp các tầng lớp tiêu dùng ở trong nước và trên thế giới. Sự tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng lên đang tác động rất sâu sắc đến xu hướng đầu tư nghiên cứu của doanh nghiệp ngành gỗ.

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ như Minh Tuệ, Tân Thành, Trường Thành, AA … đều có bộ phận nghiên cứu cho hàng ODM. AA cũng vừa ra mắt thương hiệu nội thất cao cấp George Bensley phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu với chất xám, tay nghề hoàn toàn của người Việt.

Đây là mục tiêu, ước vọng của ngành gỗ về đầu tư thiết kế sản phẩm riêng thay vì chỉ gia công xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM) mà phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang theo đuổi.

Thời cơ và thách thức mới cho ngành gỗ Việt 1
Ông Nguyễn Quốc Khanh cùng các thành viên AA tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập AA Corporation.

Các doanh nghiệp gỗ, các nhà phân phối đang ý thức hơn về thế cân bằng giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, nhất là khi dịch Covid-19 hoành hành và đang nỗ lực củng cố thị trường nội địa?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Thị trường nội địa đang thiếu nguồn cung rất lớn. Hiện nay dân số trong đô thị đang tăng mạnh, người ta đã quan tâm nhiều hơn đến xây dựng nhà, trang trí nội thất, có nhu cầu sống tại nhà trong không gian tốt hơn, chăm chút cho ngôi nhà nhiều hơn, sử dụng đồ nội thất cao cấp hơn, tiện nghi hơn, đa năng hơn…

Thách thức đặt ra là chúng ta không có những nhà phân phối lớn đủ mạnh. Vì nhà phân phối lớn mới có thể đặt hàng lớn, mới có giá thành tốt, và nhà sản xuất mới có đơn hàng lớn được.

Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng người Việt mình phải thay đổi, để đủ sức tác động lại các nhà phân phối. Hiện nay đại đa số người có thu nhập trung cao vẫn có xu hướng sử dụng gỗ truyền thống nhóm 1, gồm những loại gỗ quý như cẩm lai, gõ…thực chất đó đều là gỗ rừng tự nhiên, đều là hàng cấm. Đó là hạn chế rất lớn, bởi người dân vẫn cho rằng đó mới là giá trị của đồ nội thất.

Điều này rất nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng đến cả ngành gỗ. Việt Nam đang phải điều trần với Mỹ, họ cáo buộc mình sử dụng gỗ bất hợp pháp nhập từ Campuchia, Conggo và Mozambique…để tái xuất qua Mỹ. Điều này hoàn toàn không có, vì Việt Nam không thể xuất gỗ đó đi được. Nhưng thực tế là có gỗ đó trôi nổi trên thị trường trong nước mà nhà nước chưa kiểm soát được.

Chúng ta rất dễ bắt gặp những ngôi nhà nhỏ mà bộ đồ gỗ chạm khắc thì khổng lồ, thậm chí nhiều bài báo còn ca tụng những ngôi nhà hoàn toàn trạm trổ bằng gõ, cẩm lai, coi đó là tín hiệu của sự giàu sang. Đây là rất sai lầm.

Vấn đề chính là làm sao để người dân hiểu những điều này để tiến tới không còn dùng các loại gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên nữa; cần phải có sự truyền thông tích cực hơn nữa đến người tiêu dùng.

Nhưng thị trường trong nước lại có một điểm cộng là tầng lớp trung lưu trẻ, có học, ở các đô thị, có xu hướng sử dụng đồ nội thất rất văn minh. Những người trẻ đã quan tâm tới nguồn gốc gỗ, luôn hỏi đây có phải là gỗ tái tạo bền vững không? Có sử dụng chất độc hại môi trường không?

Đó là tín hiệu rất tốt. Chính họ sẽ tác động đến các thế hệ đi trước để họ thay đổi quan điểm thẩm mỹ, chất liệu…Đây cũng là cơ hội cho các công ty sản xuất, phân phối Việt Nam muốn đi theo hướng bền vững của thế giới.

Làm thế nào để gìn giữ và truyền bá văn hóa truyền thống đặc sắc Việt vào các sản phẩm nội thất và kiến trúc?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Một điều rất hay là văn hóa, kiến trúc nội thất Việt là sự pha trộn, kết tinh của nhiều nền văn hóa. Người thiết kế có thể pha trộn họa tiết dân tộc H’Mong, họa tiết ảnh hưởng vùng Đông Bắc Á…vào sản phẩm; hoặc “mùi vị” nội thất người Pháp pha trộn đặc trưng miền nhiệt đới rất độc đáo…Chưa kể văn hóa mình còn ảnh hưởng chút hương vị Chàm… Đó là những nguyên liệu giúp cho nhà thiết kế có được ngôn ngữ sáng tạo đặc trưng vô cùng phong phú.

Hàng năm HAWA có giải Hoa Mai dành cho tất cả sinh viên đại học và người làm trong ngành sáng tác các mẫu đồ gỗ đẹp. Năm nay còn có thêm giải Hoa Sen chuyên cho việc sử dụng gỗ rừng trồng và đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Việt Nam.Và còn nhiều hoạt động khác được hiệp hội làm để thúc đẩy phát triển ngành.

Điều vui là xu hướng đổ tiền đầu tư vào ngành đang tăng. Đồng thời nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng xuất hiện; tuyển sinh khoa Nội thất ở các trường đại học đang rất nóng.

Xu hướng sống tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ tác động thế nào đến ngành gỗ và nội thất?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Quan trọng nhất của đồ nội thất là tính tiện nghi, tính công năng. Mua cái bàn ăn phải được ngồi thật thoải mái, mua bộ sofa phải thật hữu dụng, sau đó là cái đẹp. Cái đẹp là khó nhất, không có ngôn ngữ chung, vì mỗi người quan niệm cái đẹp khác nhau. Người làm đồ nội thất vừa phải đáp ứng cả hai nhiệm vụ đó, vừa có thể tạo xu hướng (chiếm 10-20%), 80% nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng mong muốn.

Sự bùng nổ đô thị kéo theo nhu cầu thiết kế nhà chung cư nội thất ngày càng lớn. Người tiêu dùng có yêu cầu khác, cần gọn gàng hơn, đa chức năng mà vẫn đẹp… Phải nghiên cứu rất sâu để đem đến sự tiện nghi cho khách hàng.

Sắp tới Công ty AA sẽ đi sâu vào hai phân khúc gắn liền với cuộc sống là bếp tiện dụng và tủ chứa đồ đa công năng bằng sự hợp tác với các nhà phát triển bất động sản để có giải pháp nội thất toàn diện cho từng ngôi nhà, và cá nhân hóa ngay từ đầu, đưa ra những mẫu khác nhau cho họ chọn lựa chứ không phải kiểu làm cho có như hiện nay.

AA cũng đang làm việc với một công ty Ý để nghiên cứu ngôi nhà thời “Bình thường mới”, có khu vệ sinh, máy tẩy trùng…, trở thành mẫu mực phòng chống dịch bệnh cho tương lai luôn chứ không chỉ Covid-19.

Thời cơ và thách thức mới cho ngành gỗ Việt 2
Một số hoạt động khác cùng Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA).

Ông có lo ngại nhiều về thuế xuất khẩu có thể tăng trước nguy cơ Mỹ liệt Việt Nam vào các quốc gia thao túng tiền tệ?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Tôi hy vọng điều đó không xảy ra. Hiện các doanh nghiệp đang cố gắng làm mọi thứ để chuyện đó không xảy ra, nhưng nên có phương án đi trước để ứng phó chuyện đó.

Hiện nay doanh nghiệp Việt đang có rất nhiều hợp đồng nhờ làn sóng đầu tư chuyển dịch về Việt Nam. Làn sóng chuyển dịch trong ngành gỗ đã diễn ra 4-5 năm nay rồi. Khi các tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu, là trung tâm ngành gỗ Trung Quốc, ưu tiên các ngành tạo ra giá trị cao hơn như điện tử; lương tối thiểu của nhân công ở đây rất cao, gấp 3 lần Việt Nam, thuế xuất khẩu sang Mỹ bị đánh cao lên…, nên những doanh nghiệp gỗ muốn sống sót phải đưa vào lục địa, tính cạnh tranh bớt đi, chuyển dịch đến vùng khác.

Việt Nam không phải là nơi duy nhất họ nhắm tới, có cả Mexico nữa, nhưng Việt Nam có lợi thế tương đương với Trung Quốc về ngành xuất khẩu gỗ. Cho nên xuất khẩu gỗ mình tăng đều, và chắc chắc trong những năm tới sẽ tăng nữa.

Hiện một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Marko, Kuka Home, Wanek… đang xây dựng nhà máy rất lớn ở đây, có hai mặt hàng xưa giờ Việt Nam xuất khẩu rất ít là sofa, ghế, nệm ngủ, nệm giường…thì năm 2020 tăng đột biến.

Việt Nam còn có một điểm cộng nữa là tiếng tốt về ngăn chặn đại dịch Covid-19 khiến cho thương hiệu quốc gia càng thêm giá trị, cộng với lợi thế từ trước là nơi sản xuất đồ gỗ đẹp, tốt, nhiều thương hiệu lớn FDI châu Âu, Mỹ đã quyết định mạnh mẽ hơn khi chọn sản xuất đồ gỗ cao cấp tại Việt Nam, và coi đây là cứ điểm quan trọng.

Trong bối cảnh đại dịch, Công ty AA có những chiến lược gì để vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho cuộc bứt phá mới?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Trước giờ AA chuyên về mảng công trình. Quả thật những ngày đầu năm 2020 tôi bị rất nhiều áp lực, hàng loạt công trình khách sạn ngưng trệ, đúng vào lúc mình mở rộng nhà máy… Doanh thu ảnh hưởng 30%. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục kiên định với mảng công trình, vì đó là mảng xương sống, mở ra con đường làm với thế giới.

Nhưng trong rủi có may. Bao nhiêu năm nay mình cứ lao tới, làm liên tục, nay có điều kiện để nhìn lại kỹ hơn, từ đó quyết định tái cấu trúc về quản trị, có thời gian nghiên cứu xu hướng mới. Ban đầu chỉ có suy nghĩ duy nhất là làm sao bảo vệ doanh nghiệp, sức khoẻ người lao động, bảo vệ phát triển công ty… Càng về sau mới có thời gian để nhìn lại mình, làm lại chiến lược cho đúng, thấy được nhiều thách thức và điều gì mình làm được trong tương lai.

AA đã quyết định dờinhà máy về Tây Ninh quy mô gấp 3 hiện nay, chuyển qua làm hàng ODM và sản xuấtcho các thương hiệu lớn thế giới. Chiến lược của tôi là 40% cho mảng côngtrình, và 60% sản xuất hàng OEM và ODM cho các thương hiệu lớn thế giới, đồngthời biến thương hiệu Nhà Xinh thành một trong những nhà phân phối hàng nội thấtlớn nhất Việt Nam, trong đó 60-70 % là dưới thương hiệu Nhà Xinh và các thươnghiệu Việt khác.