Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế
Phạm Sơn
Thứ sáu, 23/09/2022 - 09:05
Các chỉ tiêu quản trị vĩ mô, kinh tế - tài chính đều mở mức cao nhưng năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam chỉ được đánh giá là trung bình – khá, do chỉ tiêu về môi trường và xã hội thấp.
Covid-19, biến động địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng là những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, cũng là phép thử cho năng lực thích ứng, chống chịu của các nền kinh tế trên thế giới. Sức chống chịu này không tỷ lệ thuận với quy mô của nền kinh tế, bằng chứng là nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới lại phải chịu những thiệt hại nặng nề hơn cả.
Duy trì được mức tăng trưởng dương trong 2 năm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, tiếp tục giữ vững tỷ lệ lạm phát không vượt quá mức trần 4% dù lạm phát thế giới tăng cao, dù có độ mở rất lớn, Việt Nam được đánh giá cao về “sức đề kháng” của nền kinh tế.
Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 do Quốc hội tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, xét về năng lực chống chịu và tính tự cường, kinh tế Việt Nam chỉ ở mức trung bình khá.
Lý giải cho điều này, ông Lực cho biết, tuy có nền tảng vĩ mô ổn định, các chỉ tiêu về quản trị vĩ mô, kinh tế, tài chính đều ở mức cao nhưng xét về các chỉ tiêu môi trường và xã hội, Việt Nam lại bị đánh giá thấp.
Thực tế, đánh giá này không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong báo cáo Năng lực quản trị công cấp tỉnh (PAPI) được công bố vào tháng 4 vừa qua, toàn bộ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có điểm quản trị môi trường ở mức dưới trung bình, tức là dưới 5/10 điểm.
Trong đó, 2 thành phố lớn nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương bị đánh giá thấp nhất. Điều này cho thấy, dường như Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế tuần hoàn là giải pháp?
Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong năng lực chống chịu thực tế đã được ghi nhận tại Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 687 vào tháng 6 vừa qua.
Đề án nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn là phù hợp với yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, thích ứng trước các cú sốc bên ngoài.
Xây dựng năng lực chống chịu cho nền kinh tế, theo như đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, cần phải đảm bảo được cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa việc phát triển các yếu tố này khó có thể xóa nhòa bởi những phương thức sản xuất, mô hình kinh tế truyền thống.
Kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp để tháo gỡ nút thắt này. Bằng việc kéo dài vòng đời sản phẩm, kinh tế tuần hoàn giảm thiểu rác thải ra môi trường cũng như giảm tiêu thụ tài nguyên và năng lượng. Mô hình kinh tế tuần hoàn nếu được áp dụng hiệu quả cũng sẽ vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo thêm cơ hội kinh tế được chia sẻ với các bên liên quan, bao gồm cả những nhóm yếu thế và lao động phi chính thức.
Mặt khác, nếu nhìn khả năng chống chịu của nền kinh tế qua tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy một vai trò đặc biệt quan trọng khác của kinh tế tuần hoàn là làm tinh gọn chuỗi cung ứng, thông qua thiết lập những chuỗi giá trị mang tính “vòng lặp” và “tại chỗ”.
Vai trò nâng cao năng lực chống chịu của kinh tế tuần hoàn đã được minh chứng qua hoạt động thực tế của nhiều doanh nghiệp, điển hình như Nestlé Việt Nam, một thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Cụ thể, Nestlé Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, công ty vẫn đảm bảo được nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhờ thiết lập chuỗi cung ứng tuần hoàn ngay tại Việt Nam, liên kết với những người nông dân Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ phía nước ngoài.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), kinh tế tuần hoàn về bản chất là một mô hình kinh doanh, có thể áp dụng không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này phải tạo ra đủ giá trị thì doanh nghiệp và các bên liên quan mới có động lực tham gia.
Phát triển hiệu quả và bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu riêng mang tầm quốc tế.
Theo bà Diana Torres, Trưởng phòng Chính sách công Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho sứ mệnh phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19, đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp.
Đầu tư bền vững tương tự cách chúng ta chọn lọc, chỉ đánh bắt con cá đã đủ trưởng thành làm thực phẩm, để lại các con cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh trưởng.
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.