Thương hiệu Việt trong “cơn lốc” thâu tóm

Lê Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhìn lại những thương hiệu Việt đình đám đã bị các “đại gia” nước ngoài thâu tóm trong thời gian qua như: Dạ Lan, PS, Tribeco, Diana, Kinh Đô, Phở 24, Holcim... cho thấy đa số các doanh nghiệp Việt bị thâu tóm đều theo chiêu bài ''liên doanh - thâu tóm”.

Thương hiệu Việt trong “cơn lốc” thâu tóm
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Bị cuốn vào “dòng xoáy”

Bài học rút ra từ các vụ thâu tóm kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco, Diana, Kinh Đô, Phở 24, Xi măng Holcim… được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định có thể bị động hoặc chủ động, nhưng vẫn do yếu tố “sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN) Việt không đủ chống chọi với các thương hiệu với sức mạnh vượt trội, cả về sức ép tài chính, lẫn hụt hơi trong hội nhập với đối thủ ngoại.

Trường hợp Phở 24 của thương gia Lý Quý Trung, dù đã xây dựng thành thương hiệu Việt có tầm khu vực, nhưng cuối cùng vẫn phải bán với giá được xem là rẻ, với giá 20 triệu USD vào tháng 11/2011 cho Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu Highlands Coffee tại Việt Nam. Sau đó Việt Thái Quốc Tế bán lại 50% cổ phần của Phở 24 cho thương hiệu ăn nhanh nổi tiếng của Philippines.

Điều đáng nói, ông Trung khởi nghiệp xây dựng Phở 24 với nguồn vốn chỉ 1 tỷ đồng, tính ra với giá 20 triệu USD là mơ ước của nhiều thương gia người Việt, nhưng với những tỷ phủ nước ngoài coi đây là một thương vụ “bán lúa non” khi Phở 24 vốn dĩ đã được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới trước đó. Các doanh nghiệp ngoại nhờ đánh giá được sức ảnh hưởng ấy để tiến hành thâu tóm Phở 24, là bước đệm để họ đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng số 1 tại châu Á và có tên trong danh sách những thương hiệu lớn trên thế giới

Khác với Phở 24, Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan với thương hiệu kem đánh răng P/S từ năm 1975 và có nhiều thời điểm gần như độc chiếm thị trường kem đánh răng Việt. Tuy nhiên, khi để Unilever vào liên doanh, cùng khai thác P/S thì không lâu sau Phong Lan đã bị đánh bật do công nghệ sản xuất vỏ kem đánh răng nhôm bị khai tử và doanh nghiệp này không đủ sức thay đổi công nghệ mới.

Cũng cùng ngành sản xuất kem đánh răng của Việt Nam có thương hiệu Dạ Lan, từng chiếm thị phần 70% nội địa trong giai đoạn 1993-1994, nhưng sau đó cũng bán cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD.

Cùng bị thâu tóm bởi chiêu bài liên doanh, phải kể đến thương hiệu nước giải khát Tribeco của Việt Nam. Khi Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) vào liên doanh, đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco và ngay sau đó mua lại cổ phần trôi nổi của doanh nghiệp này, lúc đó đã có mức lỗ lũy kế trên 300 tỷ đồng với giá rẻ và cuối cùng Tribeco bị thâu tóm về tay Uni-President.

Ở thị trường bán lẻ, các nhà đầu tư Thái Lan nổi bật cho xu hướng thâu tóm các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này. Từ năm 2014, các doanh nghiệp Thái thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) đã lần lượt thâu tóm một loạt các thương hiệu Việt nổi tiếng. Doanh nghiệp Thái đã chi ra hơn 44 triệu USD để sở hữu đến 80% cổ phần của Công ty CP Bao bì Tín Thành, để sau này “nuốt gọn” thương hiệu Batico, vốn đã có 20 năm thành công trong lĩnh vực sản xuất bao bì trong nước.

Một trường hợp khác là tập đoàn bán lẻ của Thái Lan là Central Group đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, mua 49% cổ phần của Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới (NKT). NKT là đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, thương hiệu luôn nằm trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2015, khảo sát của StoxPlus còn cho thấy có đến 17 thương vụ được các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm qua hình thức M&A, với tổng các giá trị giao dịch lên đến 178,18 triệu USD. Cho đến nay, dù đã rút được ít nhiều kinh nghiệm, nhưng do tài chính yếu và sức cạnh tranh thấp, nhiều thương hiệu Việt vẫn bị cuốn vào “vòng xoáy” thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Giải mã “cơn lốc” M&A

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư), ngay khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành thì các doanh nghiệp Thái đã quan tâm đến thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam, nhất là thị trường bán lẻ và tìm cách thâm nhập chủ yếu thông qua M&A. Các doanh nghiệp nước này có điểm mạnh nhờ có một hệ thống phân phối mạnh và nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ.

Có hai xu hướng chính khi các thương hiệu của Thái đổ vào Việt Nam. Một là tạo ra sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, đã có cơ sở sản xuất ở Thái Lan nhưng muốn dịch chuyển sang Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí. Hai là, doanh nghiệp Thái thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu có nhu cầu sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh lẫn gia tăng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, mà Việt Nam là một thị trường béo bở.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, hiện nay chỉ có những thương hiệu Việt thực sự có thực lực mới có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài. Như Nhựa Bình Minh đã phải đầu tư lớn để sở hữu đến 1.200 cửa hàng phân phối, và vẫn tiếp tục gia tăng cùng với mở rộng sản xuất, cổ phần hóa để đủ sức hội nhập sâu rộng. Hiện, công ty có một nhà máy ở Long An với quy mô 160.000m2 và là nhà máy trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất khu vực hiện nay.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamik) cũng nhờ có tiềm năng lớn về tài chính và hệ thống bán lẻ, cũng như nhanh chóng có mặt trên thị trường chứng khoán, nên đến nay vẫn giữ được vị trí số một ở thị trường trong nước và đang vươn mạnh mẽ ra nước ngoài. Tuy nhiên, những cái tên như Vinamik hay nhựa Bình Minh còn chưa nhiều. Vẫn còn rất nhiều các thương hiệu trong nước tỏ ra “lép vế” trước các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp chưa bị thâu tóm như nhãn hiệu mì Miliket hiện cũng đã bị Vina Acecook của Nhật Bản chiếm lĩnh thị phần ngay trên sân nhà.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đưa ra con số đáng chú ý khi chỉ có 5 đại diện, trong danh sách 100 các công ty lớn ở Việt Nam là có tiềm lực vốn hóa lớn, điển hình là Vinamilk, với hơn 6,6 tỷ USD. Trong khi, thị phần trong nước đã chia sẻ cho các nhà đầu tư của Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Ông Trần Văn Phương, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tại TP.HCM cho rằng các thương hiệu Việt nếu chỉ quan tâm về độ “phủ sóng” và doanh số thì sẽ rất sai lầm, vì nếu không làm tốt chính sách liên kết chặt chẽ giữa các kênh phân phối, kèm chế độ chiết khấu, khuyến mãi, các sản phẩm mới về mẫu mã thì sẽ rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Đó là chưa kể, các doanh nghiệp trong nước hiện nay còn quá chú trọng đến quảng bá, truyền thông nhưng mẫu mã thì chậm đổi mới, kênh phân phối lại chủ yếu bán hàng thông qua “hàng Việt về nông thôn”, chợ đầu mối, đại lý bán lẻ... Trong khi đó, thương hiệu nước ngoài đã xâm nhập vào hầu hết các trung tâm thương mại lớn, và hầu như mọi ngóc ngách, ngõ hẻm của các thành phố lớn.

Ông Phương lấy dẫn chứng các hệ thống bán lẻ của Thái đã và đang gây sức ép lên cả Saigon Co.op với hệ thống Co.opMart cùng hàng loạt các chuỗi cửa hàng bán lẻ trong nước khác... Trước đó chính Big C cũng đã bị nhà đầu tư của Thái thâu tóm.

PGS.TS. Nguyễn Lê Ninh, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng doanh nghiệp Việt nên sớm có tư duy kinh doanh đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ông Ninh cho rằng phải sớm có một đội ngũ tư vấn chính sách cho Chính phủ về “thương hiệu quốc gia”. Mọi chính sách của Nhà nước cần phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp nội địa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội đổi mới, bắt nhịp được với sự hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay; mà trước hết là với cộng đồng kinh tế ASEAN, xa hơn là tiến vào được các thị trường của các nước phát triển.