Toàn cầu hóa và sở hữu trí tuệ

Hường Hoàng - 09:41, 09/01/2023

TheLEADERCoca-Cola ra đời vào năm 1886 ở Atlanta. Năm 1985, loại đồ uống này đã có mặt ở tất cả mọi tiểu bang của Hoa Kỳ, và nhanh chóng được xuất khẩu sang Canada, Cuba và Châu Âu. Tuy vậy, hoạt động đóng chai bên ngoài biên giới chỉ bắt đầu ở Philippines vào năm 1912. Và một trong những vấn đề hãng quan tâm nhất khi sản xuất hàng hóa ở nước ngoài đó là sở hữu trí tuệ.

Toàn cầu hóa và sở hữu trí tuệ
Khi kinh doanh toàn cầu hóa, doanh nghiệp cần chú ý về vấn đề sở hữu trí tuệ để tránh những rủi ro không cần thiết (Ảnh: tuhocxuatnhapkhau.com)

Đối với nhiều doanh nghiệp hiện tại, toàn cầu hóa hay hợp tác xuyên biên giới là điều thiết yếu, ngay cả ở những giai đoạn đầu của mô hình kinh doanh. Khi xây dựng chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia khác nhau, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trong một môi trường kinh doanh toàn cầu, những doanh nghiệp này cũng có nguy cơ gặp phải nhiều rủi ro về thương hiệu và sở hữu trí tuệ, bởi khi đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ sẽ phải phụ thuộc vào các công ty con và nhà phân phối nước ngoài để đưa sản phẩm ra thị trường.

Vai trò của nhà phân phối trong việc đánh dấu chứng nhận sáng chế 

Hãy tưởng tượng một công ty có trụ sở tại quốc gia A đang tìm cách ký hợp đồng với nhà phân phối Y để đưa hàng hóa của họ đến quốc gia B. Doanh nghiệp đang thảo luận những vấn đề cơ bản với nhà phân phối Y về mối quan hệ giữa họ với các nhà bán lẻ cũng như khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ hậu cần, kho bãi và chi phí.

Khi đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối tương lai, doanh nghiệp cần lưu ý về vai trò của nhà phân phối Y trong việc đánh dấu chứng nhận sáng chế (patent marking) của quốc gia B cho sản phẩm. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn khi những sản phẩm của họ bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại nước sở tại.

Đánh dấu sáng chế là việc đánh dấu, in chữ, ký hiệu “Patent” (Bằng sáng chế) hoặc chữ viết tắt “Pat” lên những sản phẩm đã được cấp bằng chứng nhận sáng chế. Đi kèm với ký hiệu này là danh sách những bằng sáng chế được áp dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Bằng cách đánh dấu chứng nhận bằng sáng chế, doanh nghiệp có thể nhận được khoản tiền bồi thường vi phạm tối đa 6 năm trước ngày doanh nghiệp phát hiện ra hành vi vi phạm. Nếu không làm như vậy, doanh nghiệp sẽ không nhận được tiền bồi thường từ những hành vi vi phạm đã diễn ra trước đó, mà chỉ nhận được khoản tiền bồi thường tính từ ngày họ phát hiện ra vi phạm.

Do đó, khi bắt đầu kinh doanh ở thị trường nước ngoài và được cấp bằng sáng chế, doanh nghiệp nên yêu cầu nhà phân phối hoặc các đối tác khác đánh dấu chứng nhận sáng chế lên sản phẩm cuối cùng của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đối tác và nhà cung cấp không đồng ý đánh dấu chứng nhận sáng chế cho công ty sản xuất, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải làm nhiều việc hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nên thỏa thuận với những nhà phân phối, đối tác nước ngoài ngay từ đầu về hoạt động đánh dấu chứng nhận sáng chế, tránh tình trạng chịu thiệt thòi về doanh thu rồi mới tìm cách giải quyết.

Giấy phép xuất khẩu nước ngoài

Chính phủ thường cấp giấy phép xuất khẩu cho doanh nghiệp nhằm thực hiện một số giao dịch xuất khẩu cụ thể (bao gồm cả hoạt động xuất khẩu công nghệ). Cụ thể, nếu thuộc một trong số những trường hợp dưới đây, doanh nghiệp cần xin giấy phép xuất khẩu:

• Doanh nghiệp có công ty con ở nước ngoài với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển.

• Doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

• Doanh đã ký kết một thỏa thuận nghiên cứu và phát triển chung với một công ty hoặc tổ chức có trụ sở ở nước ngoài.

Doanh nghiệp không nhất thiết phải xin giấy phép xuất với bất kỳ sản phẩm công nghệ nào. Tuy nhiên, với những loại công nghệ liên quan đến điều hướng, an ninh thông tin, viễn thông và điện tử chuyên dụng, giấy phép xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.

Ví dụ về một tình huống doanh nghiệp có thể sẽ cần giấy phép xuất khẩu: một doanh nghiệp laser Nhật Bản có một công ty con ở Hoa Kỳ, trong đó công ty mẹ sở hữu 100% vốn của công ty con. Công ty con ở Hoa Kỳ phát triển một loại laser mới và muốn gửi thông số kỹ thuật cho công ty mẹ ở nước ngoài. Tùy từng trường hợp, công ty con có thể cần phải xin phép Văn phòng bộ Thương mại về Công nghiệp và An ninh để làm như vậy.

Nền tảng thương mại điện tử là chìa khóa để bảo vệ thương hiệu toàn cầu

Khi kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp cần chú ý đến các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là những ông lớn như Amazon và eBay. Về cơ bản, nếu doanh nghiệp đang sản xuất một sản phẩm có thể bán được trên Amazon, thì hàng hóa đó có thể được kinh doanh trên bất kỳ chợ trực tuyến nào. Vì vậy, doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi tất cả các nền tảng đó.

Đồng thời, nhờ internet, doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến các nền tảng thương mại điện tử ở các quốc gia khác, chẳng hạn như những nền tảng Alibaba, Meituan và Pinduoduo… có trụ sở tại Trung Quốc, công ty... của Hàn Quốc.

Nếu doanh nghiệp biết rằng hàng hóa của mình đang được bán trên những nền tảng này, doanh nghiệp nên hiểu rõ quy trình thông báo và gỡ bỏ (take-down procedure) của những nền tảng này và tận dụng lợi thế của chúng. Đây là quy trình cho phép chủ sở hữu quyền gửi yêu cầu cho nền tảng nhằm gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có bằng chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Và nếu đó là một nền tảng có trụ sở ở nước ngoài, doanh nghiệp cũng cần phải đăng ký sở hữu trí tuệ của mình ở nước sở tại.

Tin tốt là để việc xử lý yêu cầu gỡ bỏ trở nên hiệu quả hơn, doanh nghiệp không nhất thiết phải đăng ký bằng sáng chế, mà có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và bản quyền thay vì thế, bởi đây là những nền tảng quản lý các vấn đề về nhãn hiệu và bản quyền rất tốt.

Tuy vậy, cần nhớ rằng việc xóa những sản phẩm vi phạm khỏi các nền tảng chỉ là cách khắc phục tạm thời. Ngay cả khi bị dỡ bỏ sản phẩm, các bên vi phạm vẫn có thể tạo ra những tài khoản mới và tiếp tục vi phạm. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chăm chỉ theo dõi những nền tảng đó.

Kết luận

Khi mở rộng kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp nên suy nghĩ về chiến lược sở hữu trí tuệ toàn cầu. Làm như vậy từ đầu có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, tránh tranh chấp và giảm thiệt hại.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hành động pháp lý kịp thời, do đó doanh nghiệp cần phải nhân thức được chiến lược sở hữu trí tuệ ngay từ giai đoạn đầu để tránh tình trạng vô tình tự tước bỏ quyền lợi của mình một cách không đáng có.