Trồng thêm cây khác để phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên

08:00, 30/07/2020

TheLEADERNghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số loại cây ăn quả, tỏa bóng mát có thể thúc đẩy quá trình phục hồi đất trồng thông qua tăng cường những hoạt động sinh học bên trong lòng đất và nâng cao khả năng giữ nước, đồng thời giúp cây cà phê chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phát hành báo cáo Giải quyết vấn đề trong khả năng phục hồi của các tiểu nông trồng cà phê vùng Tây Nguyên, với mục tiêu chỉ ra những điểm yếu trong ngành cà phê tại địa phương này, đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng ngành cà phê bền vững tại Tây Nguyên nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.

Canh tác nhỏ lẻ, duy trì sản lượng bằng phân bón và thuốc trừ sâu

Theo nghiên cứu của UNEP, khoảng 80 – 90% cà phê ở vùng Tây Nguyên được trồng bởi các trang trại quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún và thiếu đồng bộ.

Các chuyên gia cho biết, cây cà phê được trồng ở Tây Nguyên cho năng suất cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào hay Indonesia. Tuy nhiên, trong suốt khoảng 10 năm qua, sản lượng cà phê trên mỗi héc ta của khu vực Tây Nguyên không hề tăng.

Trồng thêm cây khác để phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên
Năng suất cà phê trồng ở Tây Nguyên cao hơn nhiều lần so với Thái Lan, Lào hay Indonesia.

Điều này là do người dân ngày càng mở rộng diện tích cà phê ra cả những vùng kém màu mỡ, đất đai bạc màu, cây cà phê già hóa cũng như hiện tượng hạn hán xảy ra vào một số năm.

Để duy trì sản lượng cà phê, người nông dân Tây Nguyên phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, do công tác thử nghiệm đất không được tiến hành thường xuyên cũng như việc không bón phân vào các thời điểm tối ưu, đa số các tiểu nông thường lạm dụng những sản phẩm kể trên, gây ra hệ lụy là ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai.

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn khó khăn, dẫn tới việc không có nguồn vốn để đầu tư cải thiện chất lượng và năng suất cây trồng cũng như không đủ sức chống chịu lại các tác động xấu từ thiên nhiên như hạn hán, sâu bệnh…

Theo nghiên cứu của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) ở các hộ nông dân Tây Nguyên thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào cải thiện tình trạng canh tác, năng suất trung bình rơi vào khoảng 1,2 tấn trên mỗi héc ta, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của Tây Nguyên là khoảng 3,5 tấn trên mỗi héc ta.

Không chỉ thiếu hụt về tài chính, những nông dân này còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách cũng như khung pháp lý và quy định của ngành nông nghiệp, dẫn đến chất lượng hạt cà phê không đáp ứng được các nhu cầu thương mại, giảm năng lực cạnh tranh và dễ bị tổn thương bởi biến động giá.

Phát triển bền vững ngành cà phê thông qua biện pháp xen canh

Với điều kiện của một quốc gia đang phát triển, công tác hỗ trợ người nông dân vướng phải nhiều cản trở về nguồn lực cũng như khả năng nhận thức của người dân.

Trước thực trạng này, UNEP đề xuất phương án hỗ trợ và tuyên truyền nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên ứng dụng hình thức xen canh với các loại cây ăn quả, cây bóng mát và cây công nghiệp khác. Các chuyên gia đến từ UNEP lý giải, việc ứng dụng hình thức này có thể giải quyết được nhiều vướng mắc trong chuỗi giá trị cà phê, cụ thể như sau.

Đầu tiên, giúp tăng độ phì nhiêu của đất. Theo đó, qua mấy thập kỷ áp dụng phương thức canh tác lạc hậu, sử dụng quá nhiều chất hóa học, nhiều diện tích trồng cà phê rơi vào tình trạng bạc màu, giảm chất lượng. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số loại cây ăn quả, tỏa bóng mát có thể thúc đẩy quá trình phục hồi đất trồng thông qua tăng cường những hoạt động sinh học bên trong lòng đất và nâng cao khả năng giữ nước, đồng thời giúp cây cà phê chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Trồng thêm cây khác để phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên 1
Qua mấy thập kỷ áp dụng phương thức canh tác lạc hậu, sử dụng quá nhiều chất hóa học, nhiều diện tích trồng cà phê rơi vào tình trạng bạc màu, giảm chất lượng.

Thứ hai, tăng cường khả năng cô lập các-bon. Dựa trên báo cáo của Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, các chuyên gia của UNEP cho rằng, trồng xen canh cây ăn quả sẽ giúp vườn cà phê hạn chế khí thải các-bon thông qua việc tăng cường cô lập và giữ các-bon ở trong đất.

Các chuyên gia nhận định, kết hợp với việc sử dụng một số loại phân bón với lượng nhất định để bổ trợ, xen canh với cây tỏa bóng mát giúp các vườn cà phê trở thành “bồn các-bon” (carbon sink) – thu giữ nhiều các-bon hơn là thải ra môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.

Cuối cùng, cải thiện thu nhập của người nông dân. Các cây ăn quả trồng xen canh có thể là nguồn lợi kinh tế lớn cho người nông dân thông qua buôn bán trái cây hoặc gỗ, củi. Qua đó, những tác động do biến động giá, mất mùa cà phê.

Đây cũng là cơ sở giúp các hộ nông nghèo tăng thêm nguồn lực tài chính để đầu tư các phương pháp cải thiện và nâng cao năng suất. Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng hóa chất cũng làm giảm gánh nặng chi phí cho quá trình canh tác cây cà phê.

UNEP kết luận, việc ứng dụng trồng xen canh cây cà phê với cây ăn quả sẽ góp phần đảm bảo phát triển kinh tế bền vững ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, trên các phương diện: xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên đất, nước, không khí và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực tế, một số hộ nông dân Tây Nguyên đã ứng dụng hình thức trồng xen canh cây cà phê với cây bơ booth, sầu riêng, muồng… bước đầu cho thấy hiệu quả và triển vọng nhân rộng mô hình cao.