Trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế số

Minh Nhật - 09:47, 12/12/2022

TheLEADERNhững năm gần đây, thương mại điện tử đang dần trở thành một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế số ở những quốc gia Đông Nam Á. Và Việt Nam là một thị trường nổi bật trong số đó.

Trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế số
Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những trụ cột của nền kinh tế số (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Định hình thói quen mới cho người tiêu dùng

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó tổng biên tập báo Công Thương, cho biết: Nếu như trong năm 2016, doanh thu Thương mại điện tử B2C của Việt Nam đạt 5 tỷ USD, thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD. Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn ra, doanh thu từ thương mại điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 13,7 tỷ USD vào năm 2021.

Theo sách trắng năm 2022 của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tửcủa Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20%, đạt khoảng 16,4 tỷ USD.

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 57-60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD.

Trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế số
Ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng biên tập Báo Công Thương phát biểu trong Hội thảo Thương mại điện tử và xu thế phát triển bền vững trong khuôn khổ TechFest 2022 (Ảnh: congthuong.vn)

Ông Cường nhấn mạnh: “Sau đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam”.

Theo báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022, và đạt mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025. Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận Vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến toàn nền kinh tế, song thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt trội.

Cụ thể, trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng của mua sắm trực tuyến trong khu vực đạt 50%, song giai đoạn 2021 - 2022 mức tăng trưởng này giảm xuống còn 16%. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%.

Theo Báo cáo “Thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á - Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử và 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính từ trước.

“Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, và các sàn thương mại điện tử đã định hình những thói quen này. Các sàn thương mại vẫn tiếp tục là nền tảng giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả”, bà Ngô Thị Trúc Anh nhấn mạnh.

Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử

Mục tiêu của kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 là đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Chỉ khi ấy, những công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Chính phủ đang ngày càng hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt.

Điển hình, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 là một trong những nỗ lực đó. Những chính sách và khung pháp lý đang ngày càng trở nên rõ ràng, hoàn thiện đã và đang tạo ra một bệ phóng vững vàng cho nền thương mại điện tử nước nhà.