Từ khóa cho doanh nghiệp Việt 2021

Quỳnh Chi - 08:00, 19/01/2021

TheLEADERBiến động, nạp đạn, phục hồi và bứt phá, tốt và cực tốt, chuyển đổi số… là những từ khóa được các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nhân Việt nhìn nhận về năm mới 2021.

Từ khóa cho doanh nghiệp Việt 2021
Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2021

Doanh nghiệp Việt trong bức tranh toàn cầu

Theo quan sát của bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách văn phòng Hà Nội Công ty TNHH KPMG, chưa bao giờ mà địa chính trị, nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như cuộc bầu cử Mỹ, lại trở thành mối quan tâm lớn với các doanh nhân Việt như giai đoạn hiện nay bởi nó ảnh hưởng đến chiến lược phát triển cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Hai hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết trong năm 2020 gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 15/11/2020 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU chính thức có hiệu lực từ 31/12/2020. Đáng chú ý, chỉ có Việt Nam và Singapore là hai quốc gia trong khu vực ký kết thành công FTA với châu Âu.

Ít nhất trong ba tháng gần đây, cái tên “Việt Nam” được nhắc đến liên tục trên các kênh truyền thông quốc tế theo một cách trìu mến và được coi là một điểm sáng trong bức tranh u tối của nền kinh tế toàn cầu.

“Đến nay KPMG vẫn tiếp tục nhận nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp lớn trên thế giới muốn tìm hiểu về Việt Nam, mong khi trở lại bình thường thì sẽ có làn sóng mới đổ vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, coi Việt Nam là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”, bà Hà nói trong tọa đàm "Triển vọng kinh doanh 2021" với chủ đề "Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba) tổ chức.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà tân thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức vào tháng 10/2020. Trước đó vào năm 2013, Thủ tướng Nhật khi đó là ông Abe Shinzo cũng chọn Việt Nam là điểm đầu tiên trong chuyến công du ngay sau khi nhậm chức.

Dù gặp phải khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm không nhiều, đáng chú ý là giá trị của từng dự án tăng lên so với 2019.

Lúc này, sự trở lại của chủ nghĩa lãnh thổ trở thành mối quan tâm được ưu tiên vì Việt Nam vẫn là một quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển cần dựa vào sự hỗ trợ từ các nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu các quốc gia phát triển chỉ tập trung vào quốc gia của họ thay vì giúp đỡ các quốc gia ở bên ngoài thì các doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Có thể tự hào khi Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2,91% GDP trong năm qua, nhưng để đạt được mục tiêu trên 6% thì phải phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, không thể tự làm được”, bà Hà nói.

Bà Hà cũng nhìn nhận, năm 2020 là một năm khá buồn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2018 - 2019. Do bất ổn về kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào các đối tượng an toàn hơn, các doanh nghiệp có tên tuổi.

“Tôi vừa có cuộc nói chuyện với trưởng đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và thấy họ tiếp tục lo ngại trước những ảnh hưởng của Covid đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”, bà Hà cho biết.

Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt phải đối mặt với tình trạng tiếp tục bị suy giảm doanh thu hoặc gặp vấn đề lớn về dòng tiền. Trên 40% doanh nghiệp có nguy cơ không chi trả được trong sáu tháng tới. 60% doanh nghiệp chỉ có dòng tiền duy trì được 6 tháng trước khi đối mặt với nguy cơ không chi trả được.

Từ khoá cho doanh nghiệp Việt trong 2021
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc KPMG

“Trong bức tranh màu hồng của Việt Nam so với thế giới, không thể bỏ qua các tác động cực sâu rộng của Covid đối với các doanh nghiệp Việt”, lãnh đạo KPMG chỉ ra.

Nếu trong cuộc khảo sát của KPMG thực hiện vào tháng 8/2020, rủi ro về chuỗi cung ứng đứng ở hàng thấp trong danh sách mối quan tâm của các CEO thì đến nay đã là mối quan tâm lớn thứ hai của các nhà lãnh đạo. Theo bà Hà, những doanh nghiệp nào có chiến lược hợp lý và kịp thời xử lý chuỗi cung ứng đều tận dụng được thời cơ rất tốt trong năm 2020.

Đặc biệt, bà Hà cho rằng các doanh nhân Việt rất giỏi và rất nhạy bén nhưng gặp phải một vấn đề là thường mải mê theo đuổi các cơ hội kinh doanh mà bỏ qua công tác quản trị. Nếu doanh nghiệp nào chú trọng quản trị thì có thể đứng vững tốt, doanh nghiệp nào coi thường quản trị thì mọi vấn đề bộc lộ rõ trong năm 2020.

“Việc không quan tâm đủ đến công tác quản trị có thể dẫn đến nhiều rào cản liên quan đến việc thực thi chiến lược, các khó khăn khi cạnh tranh thương mại quốc tế”, lãnh đạo KPMG nói.

Hành trang bước vào năm 2021

Theo bà Hà, từ khoá cho năm 2021 đối với các doanh nghiệp Việt là “biến động”, theo hướng thay đổi và chuyển đổi. Các quốc gia trên thế giới sẽ phải quen với cuộc sống bình thường mới. Mà muốn tổ chức chuyển mình thì từng cá nhân cũng phải thay đổi và chuyển mình.

Sự chủ động sẽ là một yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần chủ động trong sáng tạo, phát triển, nâng cao năng lực và chủ động chuẩn bị cho tương lai.

“Đến nay, các doanh nghiệp vẫn làm theo tư duy chủ quan của người đứng đầu thay vì có chiến lược lâu dài. Chúng ta tự hào là người đi đầu, đưa ra các mệnh lệnh và doanh nghiệp đi theo, nhưng khi bước trên đỉnh cao mới thì cần phải dựa vào chiến lược bài bản”, bà Hà nói.

GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân có cùng quan điểm rằng năm 2021 vẫn sẽ là một năm có nhiều biến động, không chắc chắn, mơ hồ.

Tuy nhiên ông cho rằng 2021 sẽ là một năm “bứt phá đối với kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đang dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,8% nhưng để đạt được mức tăng trưởng đó, trung tâm vẫn là doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse nhận định năm 2021 sẽ là một năm tốt, thậm chí là cực tốt đối với các doanh nghiệp Việt. Những doanh nghiệp chuẩn bị thì năm 2021 là một giai đoạn cực tốt. Giai đoạn khủng hoảng là lúc kiếm tiền dễ nhất do chi phí thấp, đối thủ yếu thế. Với những người thiếu sự chuẩn bị, năm mới sẽ là một năm khó khăn nhưng ít nhất cũng nhìn ra được vấn đề, thậm chí “phá đi làm lại từ đầu thì tốt”.

“Những lúc bình thường mà làm ăn không tốt cứ lơ mơ, tiếc nên không dám phá bỏ nhưng khủng hoảng là cơ hội cho những bước khởi đầu mới”, ông Phú nói.

Từ khoá cho doanh nghiệp Việt trong 2021 1
Toạ đàm Triển vọng kinh doanh 2021 do Hanoiba tổ chức

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho rằng từ khoá cho năm 2021 sẽ là nạp đạn”: Đó là sự chủ động để sẵn sàng “bóp cò”, sẵn sàng “chiến đấu”, tấn công.

“Phải sẵn sàng chủ động, kể cả phản ứng với khó khăn, thách thức mang tính khách quan lẫn chủ quan. Tôi thấy cứ khủng hoảng là trật tự thế giới được thay đổi, đó là cơ hội lớn. Các doanh nghiệp vượt nhau ở khúc cua bởi nó thể hiện trình độ của người cầm lái. Cũng như doanh nghiệp trong khủng hoảng, đây là lúc cần sẵn sàng, lò xo cần được nén căng nhất, nạp đầy đạn nhất để sẵn sàng cho 2021”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA nhìn nhận, giai đoạn này đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ cho việc chuyển đổi tại các doanh nghiệp. Đó là sự chuyển đổi cả về sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, cách làm để tối ưu hoạt động mà trong đó, công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ rất đắc lực.

Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, khả năng thích ứng linh hoạt rất quan trọng trong bối cảnh mới để có thể tồn tại trong thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ). Các chủ doanh nghiệp cần phải luôn nắm bắt thông tin, nhanh chóng đưa ra các quyết định phù hợp. Công nghệ số một lần nữa là công cụ hữu hiệu giúp lãnh đạo nắm bắt tình hình doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Để nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và bước vào giai đoạn phát triển mới, bà Hà cũng đề xuất chiến lược 5R.

Thứ nhất là giải quyết vấn đề (Respond): tính toán dòng tiền, giải quyết các vấn đề cấp bách ngắn hạn, củng cố tin thần nhân viên trong trạng thái "bình thường mới". Thứ hai là nâng cao sức chịu đựng(Re-silience): lập các kịch bản ứng chiến và tính kiên định (vượt qua khó khăn) của tổ chức. Thứ ba là đổi mới (Re-Invent): định nghĩa, phân tích lại tình hình thị trường sau dịch sẽ thay đổi như thế nào; xây dựng mô hình kinh doanh – vận hành phù hợp với trạng thái "bình thường mới". 

Thứ tư là là cải tổ (Re-structure): thực hiện cải tổ để tận dụng cơ hội và giành ưu thế trong bối cảnh thị trường mới. Thứ năm là hồi phục (Recover): tạo các nhóm phản ứng – hành động linh hoạt theo tình huống dựa trên các kế hoạch/ chương trình chi tiết ngắn hạn và dài hạn.