Ứng dụng giao đồ ăn và thanh toán bắt tay nhau tăng trưởng

Việt Hưng - 17:05, 24/11/2020

TheLEADERSong hành với dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao đồ ăn cũng là lĩnh vực hưởng lợi nhờ thói quen tiêu dùng của người Việt đang thay đổi.

Với dân số khoảng 100 triệu dân, trong đó chiếm 60% là người trẻ, Việt Nam được xem là thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực fintech, cũng như các ví điện tử, thanh toán trực tuyến. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thói quen thanh toán không tiền mặt ngày càng được đẩy mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính riêng giai đoạn vừa qua, có khoảng 15 triệu người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, cũng như các giao dịch thanh toán qua di động. Tương tự, số lượt giao dịch trực tuyến tăng trưởng tới 76% so với cùng kì, theo số liệu từ NAPAS.

"Tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao của cả nước cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng cho các phương thức thanh toán kỹ thuật số trên điện thoại. 84% người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy an toàn khi thực hiện thanh toán di động, cho thấy tiềm năng của thanh toán di động trong việc tăng cường niềm tin người dùng cả nước vào thanh toán kỹ thuật số nói chung", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết.

Song hành với dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao đồ ăn cũng là lĩnh vực hưởng lợi nhờ thói quen tiêu dùng của người Việt đang thay đổi. Báo cáo mới nhất của IMARC Group chỉ ra thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2019 và được dự báo sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2020-2025.

Theo các chuyên gia, giao đồ ăn cùng thanh toán trực tuyến sẽ song hành tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là khi đây là hai trong số các lĩnh vực liên quan mật thiết tới nhau. Bởi các ứng dụng giao đồ ăn hiện tại thường liên kết cùng các ví điện tử, cũng như các ứng dụng thanh toán trực tuyến nhằm đem tới sự tiện lợi cho người dùng.

Giao đồ ăn song hành tăng trưởng cùng thanh toán không tiền mặt
Giao đồ ăn song hành tăng trưởng cùng thanh toán không tiền mặt

Hơn một nửa số người được Visa khảo sát (56%) cho biết họ muốn có thể thanh toán ngay tại chỗ ngồi khi dùng bữa ở các nhà hàng. Các khu ẩm thực, quầy hàng đường phố và quán ăn là địa điểm phổ biến thứ ba với 52% người bình chọn.

Các khảo sát tương tự được thực hiện ở Việt Nam cho thấy 79% người tiêu dùng thích thanh toán bằng thẻ và ứng dụng di động thay vì tiền mặt, trong khi 43% người người tiêu dùng cho biết họ đã đặt đồ ăn trực tuyến thường xuyên hơn khi đại dịch xảy ra.

Bà Dung cho biết thêm: "Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại là một cách an toàn và tiết kiệm. Điều này đặc biệt cần thiết khi giãn cách Covid-19 đã làm cho việc hạn chế tiếp xúc trở thành ưu tiên".

"Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều hộ kinh doanh truyền thống chuyển mình và sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nhận thấy cơ hội này, Loship đã bắt tay với nhiều nhà cung cấp ví điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam, cũng như giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của đất nước", ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship chia sẻ.

Loship gần đây được cho là đã bắt tay cùng ViettelPay và Sacombank. Trong đó, ViettelPay được biết đến như một sản phẩm tài chính cá nhân, hiện đang phục vụ 9 triệu người dùng trong khoảng 18 tháng ra mắt. Sacombank là Top 3 ngân hàng có lượng khách hàng lớn nhất Việt Nam, hiện đang vận hành ứng dụng tài chính Sacombank Pay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, ví điện tử khác nhau là vì Loship muốn nâng cao trải nghiệm của người dùng, đồng thời mang lại nhiều giá trị cho hoạt động giao đồ ăn trực tuyến, cũng như thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Sau khi liên kết với nhau, hàng triệu người dùng Sacombank Pay và ViettelPay giờ đây sẽ có thể sử dụng dịch vụ Loship trực tiếp từ trang chủ ứng dụng, giúp cho trải nghiệm này trở nên liền mạch hơn. CEO Loship tiết lộ, vào cuối năm 2020, dịch vụ giao đồ ăn của công ty sẽ sớm có mặt trên hai nền tảng thanh toán khác.

"Tại Loship, sự đổi mới là một phần trong DNA của chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, hoàn thành sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Chúng tôi nhận thấy sự hợp tác với Sacombank Pay và ViettelPay là một bước tiến lớn trong hành trình hướng tới cuộc cách mạng số của Việt Nam. Chúng tôi sẽ cùng nhau mang đến cho khách hàng trải nghiệm số liền mạch, thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam", ông Trung khẳng định.