Vai trò của nhãn hiệu chứng nhận trong thương mại quốc tế

Hường Hoàng - 11:11, 25/07/2022

TheLEADERKhông giống như những loại nhãn hiệu khác, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu không được sử dụng bởi người đăng ký nhãn hiệu mà được sử dụng bởi các tổ chức, cá nhân khác.

Vai trò của nhãn hiệu chứng nhận trong thương mại quốc tế
Chứng nhận ISO 9001 sẽ là một lợi thế cạnh tranh, giúp nâng cao thương hiệu, hình ảnh rất lớn (Ảnh: tqc.vn)

Chứng nhận sản phẩm

Chứng nhận sản phẩm được định nghĩa là ‘‘một quy trình mà bên thứ ba cấp giấy chứng nhận bảo đảm rằng, một sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ đã tuân thủ các tiêu chuẩn quy định’’. Chứng nhận sản phẩm liên quan đến việc cấp chứng chỉ hoặc nhãn hiệu (hoặc cả hai) để chứng minh rằng một sản phẩm cụ thể đã đáp ứng một tập hợp những tiêu chuẩn được xác định đối với sản phẩm đó, thường được quy định trong một tiêu chuẩn.

Nhãn hiệu chứng nhận thường được tìm thấy trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc trên một chứng chỉ được cấp bởi cơ quan chứng nhận sản phẩm. Nhãn hiệu chứng nhận sẽ chỉ dẫn đến những con số hoặc tên của tiêu chuẩn sản phẩm có liên quan, mà trên cơ sở đó sản phẩm này đã được chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận có thể được định nghĩa là ‘nhãn hiệu được sử dụng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ đã tuân thủ một bộ tiêu chuẩn nhất định và đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận có thẩm quyền”.

Biểu tượng Woolmark - nhãn hiệu chứng nhận của Công ty Woolmark là một ví dụ điển hình. Khi một sản phẩm sử dụng nhãn hiệu Woolmark có nghĩa là sản phẩm này được sản xuất 100% từ len mới và phù hợp với các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt do Công ty Woolmark quy định. Nhãn hiệu này được đăng ký tại hơn 140 nước và được li-xăng cho những nhà sản xuất có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng ở 67 nước.

Minh chứng về chất lượng

Một sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sẽ bảo đảm với bên thứ ba về các vấn đề sau: sản phẩm được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành; quy trình sản xuất được giám sát và kiểm soát; sản phẩm được kiểm tra và thanh tra; và cuối cùng nếu người tiêu dùng thấy sản phẩm mang nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn đã được công bố, họ có thể đến tổ chức chứng nhận để kiện.

Các tổ chức chứng nhận sản phẩm sử dụng những kỹ thuật đánh giá khác nhau (hầu hết các kỹ thuật đó phụ thuộc vào việc kiểm tra sản phẩm) khi quyết định có trao chứng chỉ hay không. Một số phương pháp toàn diện hơn trong việc đánh giá sản phẩm đó là: ‘‘kiểm tra chủng loại’’ của sản phẩm; đánh giá việc kiểm tra chất lượng của nhà máy và độ tin cậy của nó; giám sát tại nhà máy nhằm kiểm tra việc kiểm soát chất lượng của nhà máy; và kiểm tra mẫu sản phẩm trên thị trường.

Lý tưởng là nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm phải chứng minh được cho người tiêu dùng biết rằng sản phẩm đó đã đáp ứng và tiếp tục đáp ứng được những tiêu chuẩn đã được thừa nhận chung cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Các bên có liên quan khác, như cơ quan quản lý, có thể yêu cầu nhãn hiệu thể hiện rằng tổ chức thực hiện đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm có thẩm quyền làm vậy.

Tại sao cần chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm?

Nhu cầu đối với việc chứng nhận sản phẩm phát sinh vì một hay nhiều lý do dưới đây.

Thứ nhất, người bán muốn xây dựng uy tín của mình, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, quảng bá sàn phẩm mới…

Thứ hai, người mua (cá nhân, nhà đầu cơ, nhà sản xuất, cán bộ mua bán công, nhà nhập khẩu…) muốn được đảm bảo về chất lượng của những loại hàng hóa họ mua.

Thứ ba, luật bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng yêu cầu rằng các sản phẩm phải được mang nhãn hiệu chứng nhận. Ví dụ, một số sản phẩm xuất hiện trong danh mục Quy chế về sản phẩm của ủy ban châu Âu (EU) sẽ được yêu cầu gắn nhãn hiệu ‘‘CE’’, trong khi đó một số sản phẩm điện và điện tử sẽ không được phép bán ở thị trường Canada nếu không được gắn nhãn hiệu của Hiệp hội tiêu chuẩn của Canada (CSA).

Sản phẩm chứng nhận là sản phẩm do bên thứ ba sản xuất (nghĩa là độc lập với người tiêu dùng, người bán và người mua). Những sản phẩm này đa số được người mua, người nhập khẩu và các cơ quan quản lý chấp nhận. Rất nhiều cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia nhằm cung cấp dịch vụ chứng nhận sản phẩm cho bên thứ ba, bao gồm việc dán nhãn chứng nhận trên sản phẩm, cùng với số tham chiếu về tiêu chuẩn quốc gia được sử dụng như tiêu chuẩn kiểm tra hàng hóa.

Ở một số nước, việc chứng nhận sản phẩm còn được sử dụng bởi các hiệp hội ngành nghề và thương mại, các tổ chức nhà nước hoặc các tổ chức chứng nhận tư nhân - cụ thể là những sàn phẩm điện được chứng nhận bởi KEMA (một công ty của Hà Lan) hoặc chứng nhận về các sản phẩm dầu nhờn bởi Hiệp hội các Nhà sản xuất dầu nhờn ở Hoa Kỳ.

Tiêu chuẩn ISO/IEC 65:1996 đã đưa ra những yêu cầu nhằm bảo đảm việc quản lý, vận hành hệ thống chứng nhận của bên thứ ba theo những cách thức phù hợp và tin cậy. Tiêu chuẩn ISO/IEC 65 giúp các tổ chức chứng nhận sản phẩm được chấp nhận cả ở phạm vi trong nước và quốc tế, từ đó đáp ứng được những yêu cầu của Hiệp định WTO về rào cản kỹ thuật trong thương mại và thúc đẩy thương mại quốc tế.