Vì sao gần 50% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ

Đức Anh - 08:15, 25/03/2018

TheLEADERKhu vực tư nhân hiện nay đang gặp phải một số rào cản phát triển, đặc biệt là các rào cản đến từ sản xuất và thực hiện nghĩa vụ thuế phí hải quan đối với Nhà nước.

Theo báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 đồng chủ biên bởi GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS Tô Trung Thành, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, đến năm 2016 tỷ lệ này đã lên tới 48,74%.

Cụ thể, trong ba khu vực, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ lệ công ty thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo cáo đánh giá trên, doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần do hoạt động chuyển giá nhưng con số 48,45% doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thua lỗ so với 16,37% doanh nghiệp nhà nước đang cho thấy những khó khăn rất lớn của khu vực này.

Các doanh nghiệp tư nhân mặc dù chiếm tỉ lệ lớn về số lượng nhưng phần lớn lại có quy mô rất nhỏ bé so với khu vực nhà nước và khu vực FDI xét cả trên tiêu chí số lượng lao động và vốn.

Theo tính toán từ Điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê, có đến 98,49% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thuộc khu vực kinh tế tư nhân với quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, con số hơn 48% doanh nghiệp thua lỗ đang cho thấy “một thực trạng đáng suy nghĩ” và nếu như cải thiện được tình trạng này thì sẽ “tạo ra bao nhiêu nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”. 

Báo cáo đánh giá trên cũng chỉ ra rằng, khu vực tư nhân hiện nay đang gặp phải một số rào cản phát triển, đặc biệt là các rào cản đến từ sản xuất và thực hiện nghĩa vụ thuế phí hải quan đối với Nhà nước.

Xét về thị trường vốn, nguồn vốn cho khu vực tư nhân chủ yếu là nguồn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng dành cho doanh nghiệp khu vực này đang giảm dần, từ mức 60% tổng dư nợ năm 2011 xuống còn khoảng 51% năm 2015 và ở mức 41% năm 2017 theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương.

Nếu xét về thị trường lao động, chi phí sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói chung có xu hướng gia tăng. Theo tính toán từ Tổng điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2016, tổng chi phí sử dụng lao động, bao gồm bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn chiếm tới 25% tổng chi phí sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân có tới 96,77% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những chi phí kể trên càng trở thành gánh nặng lớn đối với việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Báo cáo này cũng đánh giá rằng, bộ máy quản lý thuế Việt Nam tạo ra nhiều rào cản lớn, so với các nước trong khu vực, thời gian nộp thuế của Việt Nam vẫn cao hơn rất nhiều lần như gấp 1,5 lần Lào hay 8,1 lần so với Singapore.