Vì sao Sojitz chi 2.000 tỷ đồng mua công ty Giấy Sài Gòn đang thua lỗ?

Trần Anh - 15:19, 27/06/2018

TheLEADERTập đoàn Sojitz của Nhật Bản sẵn sàng chi ra 2.000 tỷ đồng để mua lại một công ty Giấy Sài Gòn đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 475 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính cuối năm 2016.

Thành lập vào năm 1997, từ cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, Giấy Sài Gòn đã phát triển thành công ty sản xuất giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2007, dưới tác động của suy thoái kinh tế, các cổ đông như Prudential và quỹ đầy tư VIG rút vốn, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh của Giấy Sài Gòn.

Khó khăn lên tới đỉnh điểm vào năm 2011, khi cổ đông chiến lược của Giấy Sài Gòn là Daio Paper của Nhật Bản cũng thoái vốn do những mâu thuẫn từ phía tập đoàn mẹ. 

Giấy Sài Gòn đứng trước áp lực phải đóng cửa khi dự án nhà máy giấy Mỹ Xuân 2, tổng vốn đầu từ 2,5 nghìn tỷ đồng phải trả lãi vay ngân hàng có thời điểm lên đến 20%. Thời điểm đó, nhà sáng lập Cao Tiến Vị cảmgiác “thất bại đã ở gần ngay trước mắt”.

Mặc dù vậy, sự xuất hiện của ông Mai Hữu Tín đã mang lại cơ hội mới cho Giấy Sài Gòn. Tháng 9/2013, công ty của ông Mai Hữu Tín đã mua lại toàn bộ số cổ phần và nợ của Daio Paper, số tiền bỏ ra khoảng 416 tỷ đồng để nắm giữ 42,3% vốn điều lệ. 

Nhà sáng lập Cao Tiến Vị và 2 quỹ đầu tư BVIM và Bridgehead (quỹ đầu tư Nhật Bản trực thuộc ngân hàng Phát triển Nhật Bản) sở hữu 57,7% cổ phần còn lại.

Sau khi mua lại, ông Mai Hữu Tín trở thành chủ tịch HĐQT của Giấy Sài Gòn, còn ông Cao Tiến Vị làm Tổng giám đốc.

Hoạt động tái cơ cấu Giấy Sài Gòn mang về kết quả chỉ sau chưa đầy 5 năm. Mới đây, ngày 24/5, tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã mua lại 95% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Theo tờ Nikkei Asian Review, Sojitz chi ra 91 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng cho thương vụ này. So với con số mà ông Mai Hữu Tín bỏ ra, có thể thấy đây là một thương vụ thoái vốn rất có lời.

Vì sao Sojitz chi 2.000 tỷ đồng mua công ty Giấy Sài Gòn đang thua lỗ?
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group

Đặc biệt, nếu nhìn vào báo cáo tài chính năm 2016 của Giấy Sài Gòn có thể thấy, hoạt động kinh doanh của công ty đã ổn định, nhưng những khó khăn trong quá khứ vẫn để lại hậu quả rất lớn. Năm 2016, doanh thu của Giấy Sài Gòn đạt khoảng 2.400 tỷ đồng tăng 20% so với năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 23 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý nhất là công ty vẫn có khoản lỗ lũy kế lên tới 475 tỷ đồng. Khoản lỗ này chính là hiện thân của những khó khăn mà Giấy Sài Gòn gặp phải trong giai đoạn trước.

Lỗ lũy kế lớn, công ty cũng có vấn đề với dòng tiền. Dòng tiền của công ty bị âm 18 tỷ đồng trong năm 2016, trong đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư bị âm 128 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 5 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, chiếm tỷ trọng lớn nhất đến từ các khoản vay và nợ thuế tài chính. Khoản mục vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 458 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng nguồn vốn của công ty.

Có thể thấy, dù trong vòng 3 năm trở lại đây, Giấy Sài Gòn cho thấy hoạt động kinh doanh tích cực với doanh thu tăng trưởng đều đặn và hoạt động kinh doanh có lợi nhuận. Đồng thời tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ từ ngắn hạn sang dài hạn. Tuy nhiên mức lợi nhuận khiêm tốn chưa đủ đề bù đắp cho khoản lỗ lớn của công ty này trong giai đoạn trước.

Mặc dù vậy, đánh giá cao tiềm năng của thị trường tiêu thụ giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp ở Việt Nam, Sojitz vẫn sẵn sàng chi ra 2.000 tỷ đồng để mua lại một công ty đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 500 tỷ đồng. 

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1986, Sojitz là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào nước ta, hoạt động đa ngành từ điện dầu khí, phân bón, hạ tầng khu công nghiệp, bột mì, sản xuất thức ăn gia súc và cả gạo chất lượng cao.

Trong lĩnh vực sản xuất giấy, Sojitz cùng với đối tác Ấn Độ có kế hoạch xây dựng nhà máy bột giấy trị giá 154 triệu USD tại Dung Quất, Quảng Ngãi từ năm 2013. Tuy nhiên do vướng quy hoạch, đến năm 2015, dự án mới được tập đoàn này đề xuất xây dựng tại Quảng Ninh với công suất 150.000 tấn bột giấy/năm.

Rõ ràng, xét về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, Sojtiz không phải là ‘tay mơ’. Việc tập đoàn Nhật sẵn sàng trả giá cao cho Giấy Sài Gòn phần nào cho thấy tiềm năng của doanh nghiệp này.

Trên thực tế, Giấy Sài Gòn là doanh nghiệp có chỗ đứng vững vàng trong ngành sản xuất giấy tại Việt Nam. Nhờ tận dụng được công nghệ và quản trị học hỏi từ Daio Paper, đến nay, Giấy Sài Gòn sở các dây chuyền sản xuất hiện đại với tổng công suất 273 nghìn tấn/năm, với 2 dòng sản phẩm chính là giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp. Ước tính năng lực sản xuất của Saigon Paper chiếm khoảng 18% thị phần toàn ngành.

Dù lợi nhuận ròng khiêm tốn, Giấy Sài Gòn cho thấy mình duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp khá tốt, trung bình khoảng 17%/năm, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật. Giấy tissue của Giấy Sài Gòn hiện đứng đầu về thị phần giấy trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi có Giấy Sài Gòn, Sojitz sẽ nhanh chóng bước chân vào thị trường sản xuất giấy của Việt Nam, trong đó lĩnh vực bao bì giấy đăng tăng trưởng nhanh. Đồng thời đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng cao sau các thay đổi về chính sách bảo vệ môi trường của quốc gia này.

Hiện tại, sau khi bán mình cho đối tác Nhật, Hội đồng quản trị của Giấy Sài Gòn đã được thay thế bằng người của Sojitz, với Chủ tịch là ông Naoki Yokoyama, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ông Jun Morita, các thành viên HĐQT kiêm giám đốc chức năng khác cũng đều là người Nhật.

Với ông Mai Hữu Tín, ông và các cộng sự đã nhanh chóng rời khỏi ban điều hành Giấy Sài Gòn. Hiện tại, ông Tín còn đang tham gia tái cơ cấu một doanh nghiệp cũng rất nổi tiếng khác, đó là Gỗ Trường Thành. 

Từng được xem là doanh nghiệp đầu ngành, Gỗ Trường Thành nay rơi vào khủng hoảng, phải tập trung vào chủ trương thoái vốn vì phần trả lãi vay còn quá nặng, cùng với đó phải kiểm soát hàng tồn kho, xử lý các khoản phải thu khó đòi.