Việt Nam cấp gần 44.000 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 2022

Hương Giang - 16:24, 29/12/2022

TheLEADERTrong năm 2022, lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tăng 12,6%, thể hiện sự cải thiện cả về chất và về lượng của hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước.

Việt Nam cấp gần 44.000 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 2022
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Cục SHTT (Ảnh: IP Việt Nam)

Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Hà Nội vào ngày 21/12 vừa qua. Theo đó, công tác sở hữu trí tuệ năm 2022 đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế và khó khăn nhất định.

Những con số biết nói

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, mặc dù tình hình thế giới biến động phức tạp, cùng với hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế ở một số nước, trong năm 2022, Cục đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động trên hầu hết các mặt.

Kết quả, Cục đã đạt được những kết quả nổi bật như: tiếp nhận được 78.480 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 4% so với năm 2021), cấp 43.970 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 12,6% so với năm 2021); số lượng đơn liên quan đến văn bằng bảo hộ nộp vào Cục tăng 18% và kết quả xử lý các loại đơn sau cấp văn bằng bảo hộ tăng 10% so với năm 2021.

Năm 2022, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Qua quá trình xây dựng, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật đã được hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 16/6/2022 và Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố vào ngày 28/6/2022 và chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2023.

Việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động sở hữu trí tuệ ở các Bộ, ngành và địa phương.

Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng được triển khai một cách chủ động và tích cực. Theo đó, Cục tiếp tục tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); duy trì và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, WIPO và các đối tác song phương.

Cục đã thực hiện Kế hoạch hợp tác về sở hữu trí tuệ song phương với Singapore dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước đến Singapore; ký Thỏa thuận hợp tác về triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia với WIPO. 

Ngoài ra, Cục cũng tham gia triển khai các Dự án do WIPO bảo trợ như: Dự án Xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC), Dự án Xây dựng môi trường kiến tạo về sở hữu trí tuệ (IP-HUB), Dự án Hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ SHTT, Dự án Mạng lưới trực tuyến dành cho Doanh nghiệp khởi nghiệp (EON)…

Cục đã hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Nhật Bản, hoàn thành việc xây dựng và công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia… Trong năm 2022, Cục cũng đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện và Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cục sở hữu trí tuệ.

Các kết quả nêu trên làm cho hoạt động của Cục sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên gắn kết với hoạt động của Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ, các Bộ/ngành và địa phương, đưa sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia.

Phương hướng năm 2023

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, theo ông Trần Lê Hồng, hoạt động của Cục sở hữu trí tuệ vẫn còn có những tồn tại, hạn chế và khó khăn nhất định.

Tổng kết công tác sở hữu trí tuệ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023
Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng trình bày tại hội nghị (Ảnh: IP Việt Nam)

Có thể kể đến những vấn đề như: Kết quả xử lý đơn nhãn hiệu chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc xây dựng các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp còn chậm. Khối lượng công việc của Cục rất lớn trong khi thiếu nhân lực và kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các nhiệm vụ về công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu công việc và điều kiện làm việc.

Để giải quyết những bất cập trên, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng cho biết, trong năm 2023, Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, phê duyệt Đề án Kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực của Cục và tổ chức triển khai Đề án sau khi được phê duyệt; tổ chức xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Cục cũng tăng cường triển khai các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; xây dựng và ban hành các Quy chế tiếp nhận, xử lý đơn sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và đẩy mạnh các dự án đầu tư công của Cục.

Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các Hiệp thương mại quốc tế; đẩy mạng hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai Luật sở hữu trí tuệ, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và nâng cao năng lực của Hệ thống sở hữu trí tuệ; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài…

Sau khi nghe ý kiến của Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, và các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chúc mừng và đánh giá cao Cục sở hữu trí tuệ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thể hiện trên nhiều mặt công tác như: công tác tiếp nhận, xử lý đơn sở hữu công nghiệp; công tác xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, triển khai Chiến lược, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; công tác hội nhập, hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài… trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng cho biết, trong quá trình công tác, Cục đã có nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn, có quan hệ công tác tốt, chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, công tác đào tạo về sở hữu trí tuệ và chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Cục.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Cục phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được Lãnh đạo bộ Khoa hoc và công nghệ giao, tập trung các nguồn lực để xử lý các công việc trọng tâm như: xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi; đẩy nhanh và nâng cao chất lượng xử lý đơn sở hữu công nghiệp; triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động hỗ trợ bảo hộ ở nước ngoài; khẩn trương hoàn thiện Đề án về cơ cấu tổ chức của Cục để trình Bộ trưởng và tích cực, chủ động tham gia các hoạt động về hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Cục sẽ nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ; xây dựng chính sách tuyển dụng, giữ chân người tài; tăng cường xã hội hóa các nguồn lực; tăng cường sự hợp tác, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành, và địa phương; quan tâm, thúc đẩy các hoạt động phong trào, đoàn thể…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, năm 2022 hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ có nhiều điểm sáng trong công tác  xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ, hội nhập và hợp tác quốc tế, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Với nhiệm vụ rất nặng nề trong năm 2023, tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục sở hữu trí tuệ quyết tâm nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Lãnh đạo Bộ KH&CN giao.